Chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam

Dân tộc và chủ nghĩa dân tộc

  1. Dân tộc không phải là một thực tại tự nhiên mà là một thực tại lịch sử. Trước khi có những tập hợp xã hội gọi là dân tộc, đã có rất nhiều tập hợp xã hội khác: gia tộc, công xã, bộ tộc, bộ lạc, lãnh chúa, nhà nước-đô thị, vương quốc, giáo triều v.v… Đến một lúc nào đó dân tộc mới xuất hiện và nó phải tổ hợp được những điều kiện căn bản sau đây để xuất hiện: một lãnh thổ và cộng đồng người hợp nhất chấp nhận sự quản lý của một nhà nước thống nhất gọi được là nhà nước-dân tộc. Cũng có thể kể thêm vào đó các yếu tố ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc, phong tục, truyền thống … nhưng những nhân tố ấy không phải là quyết định: không thiếu gì dân tộc tự định nghĩa như là sự hợp nhất của rất nhiều chủng tộc, ngôn ngữ, văn hoá khác nhau. Những yếu tố này chỉ có được tầm quan trọng khi nhà nước đã xây dựng xong: nhà nước sẽ sử dụng quyền lực của mình để quy định lãnh thổ và văn hoá, hiến chế… Để trở thành dân tộc theo nghĩa đó, xã hội phải đạt đến một trình độ phát triển nhất định để lãnh thổ được mở rộng, những hoạt động kinh tế đã vượt qua khỏi được tình trạng tự cung tự cấp theo kiểu bộ lạc hay làng xã để giao lưu với những dân tộc khác. Là một thực tại lịch sử, sự tồn tại của dân tộc là không vĩnh viễn, nhưng ngày nay ý nghĩa của nó vẫn còn khá quan trọng trọng đối với đời sống con người.
  2. Chủ nghĩa dân tộc đã ra đời cùng với sự hình thành của các dân tộc, nó có tác dụng vĩnh viễn hoá các thực tại dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc là một ý thức hệ. Những cái tầm thường và bình thường của đời sống dân tộc đã được tô vẽ thành ra những cái kỳ bí, cao thượng, thần thánh. Các phương thức huyễn hoặc ấy ngày nay không có gì là bí mật: tuy khác nhau và nhiều vẻ, từ cổ xưa cho đến hiện đại, từ hoang đường thần bí cho đến “khoa học”, nhưng tất cả đều dựa trên thủ đoạn lấy một yếu tố nào đó hiện thực hoặc tưởng tượng rồi thổi phồng lên thành cái duy nhất tuyệt đối, bao trùm: thiên thư, khí thiêng sông núi, chủng tộc siêu đẳng, giai cấp tiên tiến, sứ mệnh Lịch sử, v.v…
chủ nghĩa dân tộc việt nam

Sự huyền thoại hoá ấy có thể được tạo ra từ những truyền thuyết trong dân gian, từ những tham vọng lập thuyết của những nhà trí thức, nhưng tất cả những lý lẽ tản mác ấy đều đã được các giai tầng cầm quyền gom góp lại, phát triển thêm để biến thành một thứ ý thức hệ cầm quyền. Đối với một cộng đồng, huyền thoại có thể chỉ là những mơ ước làm cho sang trọng hơn những cái không có gì sang trọng, đối với những nhà trí thức đó có thể là những giả thuyết đưa ra sau một quá trình tìm tòi; nhưng dưới sự thao túng của các ý thức hệ cầm quyền thì các huyền thoại ấy đã được sử dụng theo một mục đích mang tính chất quyền lực: hợp nhất lòng người, tập hợp lực lượng để thống nhất dân tộc hoặc là để đương đầu với những dân tộc khác. Nhưng mặt khác cũng qua đó khẳng định sự độc tôn quyền lực của các nhà nước đối với xã hội: trong phạm vi một dân tộc, khái niệm nhà nước-dân tộc là một phạm trù quản lý, tổ chức, phát triển, nhưng cũng lại là một phạm trù thống trị. Dù dưới hình thức nào thì chủ nghĩa dân tộc bao giờ cũng là sự khuếch đại về sự tối thượng của những giá trị bản vị cục bộ, địa phương, đặc thù: chủ nghĩa dân tộc chính là sự huyễn hoặc hoá về các thực tại dân tộc.

  1. Theo những nhà nghiên cứu phương Tây thì dân tộc – cũng như chủ nghĩa dân tộc – chỉ có thể là sản phẩm của thời hiện đại, manh nha sau thời Trung cổ với sự tan rã của chế độ phong kiến, để phát triển mạnh mẽ sau cuộc cách mạng Pháp 1789. Theo quan niệm đó, sự hình thành của các dân tộc cũng đồng nghĩa với sự hình thành của giai cấp tư sản với nền kinh tế tư bản công nghiệp: các vương triều – mà sau này bị cách mạng đánh đổ – thật sự lại chính là những người đã góp phần thúc đẩy sự hình thành các dân tộc bằng những cuộc mở mang lãnh địa của mình. Được luồng tư tưởng của những nhà Khai sáng tiếp sức chủ nghĩa dân tộc đã tạo ra khí thế để thống nhất đất đai, ngôn ngữ, hành chính, luật pháp, văn hoá. Nhưng đến thế kỷ 19 về sau thì chủ nghĩa dân tộc ấy đã trở thành chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc: quyện chặt vào các ý thức hệ về chủng tộc, địa lý, tôn giáo… nó tạo ra lý luận về chiến tranh giành giật thuộc địa và thống trị các nước chưa phát triển.

Như vậy phải chăng dân tộc và chủ nghĩa dân tộc đã bắt đầu từ phương Tây với sự ra đời của chủ nghĩa tư bản? Và phải chăng ở các nước châu Phi, châu Á, nơi chủ nghĩa tư bản chưa phát triển thì cũng chưa có sự hình thành của các dân tộc và cái đi kèm theo nó là chủ nghĩa dân tộc? Ở đây đã có hai vấn đề khác nhau và đối với hai vấn đề này, những nhà nghiên cứu của chúng ta đã không có câu trả lời rõ rệt: không khẳng định hẳn rằng khi những nước châu Phi, châu Á chưa có chủ nghĩa tư bản thì cũng chưa có xu hướng hình thành các dân tộc, nhưng họ lại cho rằng chủ nghĩa dân tộc ở những vùng này chỉ xuất hiện vào thế kỷ 20 với phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân để giành độc lập theo chiều hướng hiện đại hoá.

Vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở ngoài nền văn minh phương Tây vì vậy vẫn còn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Nhưng nhìn vào lịch sử những dân tộc châu Á, người ta thấy dân tộc đã hình thành ngay trong thời kỳ trước khi có chủ nghĩa tư bản phát triển: ở đây sự ra đời của một nhà nước thống nhất đã là yếu tố quyết định, chứ không phải chỉ là kinh tế hay lãnh thổ. Theo nghĩa này, dân tộc Trung quốc đã hình thành từ đời Tần Thuỷ Hoàng với chính sách “đại nhất thống”, một mặt be bờ ngặn chặn “rợ” phương Bắc đồng thời đi khai hoá bọn “man” ở phương Nam: chủ nghĩa dân tộc Trung quốc ngay từ đầu đã là chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Nhưng do lẽ là một dân tộc đã biến được văn hoá thành văn minh sớm, đặc biệt đã tạo ra chữ viết thống nhất cùng với ý thức hệ cầm quyền có giá trị phổ biến (Nho giáo) rất thuận lợi cho việc xây dựng nhà nước nên văn minh Trung Hoa đã trở thành mô hình để nhiều nước xung quanh tiếp nhận. Chính là từ nguồn vay mượn tự nguyện này mà nhà nước Nhật bản hình thành vào thế kỷ thứ 7 với sự ra đời của chế độ quân chủ tập quyền, mở đầu với dòng họ Xôga sau đó được tiếp nối với triều đại Taica.

  1. Trường hợp Việt Nam không giống với nước Nhật: nền văn minh Trung Hoa tràn sang Việt Nam không phải qua con đường giao tiếp bình đẳng mà là qua chính sách đồng hoá bằng bạo lực cực kỳ dai dẳng. Để khẳng định sự tồn tại của mình, Việt Nam đã phải chiến đấu không ngừng nghỉ trong suốt hai nghìn năm. Vấn đặt ra ở đây là trong tình hình ấy dân tộc Việt Nam đã hình thành từ lúc nào? Trong sách báo bàn luận về vấn đề này, các khái niệm liên hệ vẫn chưa được biện biệt rạch ròi để có thể trả lời cho chính xác.

Nước là khái niệm được dùng nhiều nhất để chỉ thị dân tộc, theo ý nghĩa yêu dân tộc cũng là yêu nước. Nhưng phân tích thì thấy nước có rất nhiều nội dung: có thể là một thị tộc (clan), một tộc người (ethnie), một bộ lạc (tribu) hoặc một liên minh bộ lạc. Ngoài ra nước cũng có thể hiểu như một triều đại, như nước của nhà Nguyễn, nước của nhà Lê (nhớ nước đau lòng con quốc quốc). Rõ ràng cùng một chữ nước nhưng nội dung của chúng rất khác nhau: nước-bộ lạc, nước-thị tộc với người đứng đầu là tù trưởng không thể nào đồng nghĩa với nước của một triều đại lãnh đạo bởi một ông vua. Sự biện biệt như trên là rất cần thiết để vấn đề được xác định chặt chẽ hơn: một dân tộc hiểu theo nghĩa một nhà nước-dân tộc không thể nào hình thành được trong thời tiền sử, sơ sử. Triều đại vua Hùng không thể gọi được là một “quốc gia” – dù chỉ là “phôi thai”– và dân tộc Việt Nam chỉ có thể hình thành vào thời kỳ đã giành được độc lập với một nhà nước thống nhất. Vào lúc nào? Nếu thừa nhận định nghĩa về dân tộc đã nói từ dầu thì sẽ rất dễ dàng đồng ý với những ai cho rằng dân tộc Việt Nam đã chỉ hình thành sau năm 939, khi đất nước bước vào giai đoạn tự chủ. Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam cũng đã ra đời vào cái trục thời gian đó và đã mang tính chất rất đặc sắc của chế độ phong kiến Việt Nam.

Chủ nghĩa dân tộc phong kiến

  1. Chủ nghĩa dân tộc phong kiến Việt Nam đã dồn hết lý lẽ để khẳng định sự độc lập của Việt Nam đối với Trung hoa: thần phục Trung hoa về mặt ngoại giao, văn hoá nhưng được tồn tại riêng biệt về mặt chủ quyền và lãnh thổ. Chúng ta thấy có hai động lực bên trong đã thúc đẩy thành thái độ ấy:
  2. a) Sự cảm nhận không rõ ràng nhưng cũng rất hiển nhiên về thực tại riêng biệt của Việt Nam đối với Trung hoa. Chính sách đô hộ và đồng hoá tuy có là làm biến chất hết sức nặng nề bản sắc của Việt Nam, nhưng bản sắc ấy vẫn được bảo tồn trong tiếng nói, phong tục, thờ cúng của dân gian, trong ký ức của cộng đồng, tất cả đã biểu hiện rất rõ rệt trong những truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc. Chính đây là sức mạnh ngầm bền bĩ đã tạo nên liên tục những làn sóng phản kháng, khởi nghĩa chống xâm lược rất quyết liệt, cuối cùng giành lại được chủ quyền.
  3. b) Việc giành quyền độc lập ấy hoàn toàn không có nghĩa là phục hồi lại được cái mô hình xã hội cũ trước khi bị đô hộ: quá khứ ấy đã chỉ còn là những mảnh rời, những hoài niệm. Một mô hình mới về xây dựng văn hiến do Trung Hoa mang lại trong thời đô hộ đã trở nên một thứ hình mẫu vừa thực tế vừa tiến bộ có thể căn cứ vào đó để xây dựng nhà nước.
  4. Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ mà các sử gia đến thế kỷ 15 mới đưa vào chính sử đã chứng tỏ rằng chủ nghĩa dân tộc Việt Nam chỉ hình thành rõ rệt khi chế độ phong kiến Việt Nam đã xây dựng xong. Tính chất hỗn hợp về văn hoá trong quá trình hình thành dân tộc khi Việt Nam quan hệ với Trung Hoa đã biểu hiện qua truyền thuyết ấy như sau:

– Thuỷ tổ của Việt Nam là Trung Hoa: Đế Minh, cháu ba đời của Viêm đế Thần nông có hai người con. Một là Đế Lai, sau này trị vì phương Bắc. Một là Lộc Tục, lai với một người con gái phương Nam, được giao cho trị vì nước Xích quỷ ở phương Nam. Lộc Tục đã cướp Âu Cơ làm vợ – bà này vốn là vợ của Đế Lai trong một chuyến đi chơi phương Nam, – sau đó sinh ra trăm con trai, 50 theo Lôc Tục đi về phía biển, 50 theo Âu Cơ lên rừng. Hùng Vương, người con trưởng của 50 người theo mẹ, chính là vị vua đầu tiên của Việt Nam.  Ý nghĩa của mối quan hệ huyền thoại về huyết thống này là rất rõ rệt: người Việt Nam chính là anh em cùng cha khác mẹ với người Trung Hoa.

– Bờ cõi Việt Nam mà truyền thuyết nói đến vừa bao gồm là toàn bộ xứ Bách Việt đã trở thành Trung Hoa: Tây giáp Ba Thục, Bắc đến Động Đình Hồ, Nam tiếp cận Hồ Tôn Tinh (Chiêm Thành) và đó chính là toàn bộ miền Giang Nam và Lãnh Nam của Trung quốc cho đến Hoành Sơn của ta.  Tuy vậy khi xác định cụ thể 15 bộ riêng biệt của Việt Nam thì lại rất mơ hồ, tên các “bộ” ấy không thống nhất và điều đáng chú ý lại không bao gồm được toàn thể những nước Bách Việt nói trên mà chỉ là “phạm vi của miền Bắc nước Việt Nam ngày nay cùng với một dải ở miền Nam tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc” . Sự lộn xộn về địa giới này của truyền thuyết –  cùng với huyền thoại về Đế Minh người cháu ba đời của Viêm đế Thần nông nói trên – chỉ cốt chứng minh cho luận điểm: tuy ta ở phía Nam nhưng nguồn gốc của ta vẫn là Trung Hoa, sự khác nhau chỉ là lãnh thổ.  Việt Nam là người đồng chủng lẫn đồng văn với Trung Hoa vì vậy không thể bị xem là Man di, mà phải được tồn tại một cách bình đẳng như một nước chư hầu.

  1. Ý nghĩa hàm hồ của truyền thuyết bị biến thành lịch sử ấy cũng đã biểu hiện trực tiếp và minh bạch trong các phát biểu của hết thế hệ này đến thế hệ khác những nhà Nho:

– “Người có Bắc Nam, đạo kia không khác. Nhân nhân quân tử đau đau là không có. Nước An nam tuy xa ngoài Ngũ Lĩnh mà tiếng là nước thi thư, những bậc trí mưu tài thức đời nào cũng có” (NguyỄn Trãi)

– “Nước Đại Việt ở phía Nam Ngũ Lĩnh, là trời đã phân chia giới hạn Nam Bắc. Thuỷ tổ của ta dòng dõi Thần Nông, thế 1à trời đã sinh ra chân chúa, có thể cùng với Bắc triều mỗi bên làm đế một phương” (Ngô Sĩ Liên).

– “Khắp dưới gầm trời, suốt cả cõi đất, nơi nào không phải con cháu, dòng dõi của Ngũ đế, Tam vương? Đất phân biệt nhưng dân không phân biệt; truy nguyên cõi gốc mà nói thì loài người cũng chỉ là một mà thôi (…) Vậy thì ở đau cũng chỉ là một tổ, ở đau cũng là một thầy” (TỰ ĐỨc).

– “Sử chép: Dân Lạc Việt không có lễ phép giá thú thì việc khác cũng có thể biết được. Hơn nữa gần đây, một vài người Giao chỉ còn sót lại, số lượng không bằng một phần trăm dân số trong nước, lại rất đần độn không biết gì, họ như người thời thái cổ. Ngoài ra những người lanh lợi khôn ngoan thì đều là hỗn hoá chủng tộc với người Hán Trung Quốc” (Phan BỘi Châu).

  1. Tất cả những cái gọi là “văn hiến”, “thi thư” mà chế độ phong kiến xây dựng nên cho đất nước suốt một nghìn năm độc lập rút lại không có gì khác hơn là mong được làm Tàu về văn hoá. Một nhà nghiên cứu đã diễn đạt hiện tượng này như sau:

“Lịch sử của ta là lịch sử chống xâm lược phương Bắc, nhưng khi giành được tự chủ thì phải tiếp thu tổ chức hành chánh có sẵn, lại không có mô hình tổ chức nhà nước, xã hội nào khác ngoài mô hình Trung quốc.Cứ nhìn quan chế luật lệ, cách học hành thi cử cho đến nghi lễ, thể thức giấy tờ của các triều đại, từ Lí, Trần cho đến đời Nguyễn(…) thì đủ rõ văn hoá Hán lớn đến mức nào. Ta chống Trung quốc về mặt nó là kẻ xâm lược, trong tâm lý xã hội dân ta có ghét “chú chiệc”, nhưng đối văn hoá Trung quốc thì vẫn coi là cao hơn, vẫn muốn học tập và mong ta sánh được với họ. Ta vẫn coi chữ Hán là chữ ta, thánh hiền Nho gia là chung cho tất cả.Nho giáo đã được các triều đại độc lập đưa lên địa vị chính thống, nó đi vào cuộc sống, đi vào tâm hồn, từ triều đình đến làng xã, đến gia tộc, gia đình, từ chính trị đến văn hoá. Ý thức hệ chính thống không chỉ tác động đến giai cấp thống trị mà đến toàn bộ xã hội. Cho nên, không nên bỏ qua thực tế là, trong suốt thời kỳ độc lập trước đây, lòng yêu nước, tự hào dân tộc không hướng vào chỗ đoạn tuyệt với, cự tuyệt với Nho giáo mà cố gắng tham gia bình đẳng với Trung quốc Tư văn, trước thánh hiền của Nho giáo” .

  1. Thật ra, trong lĩnh vực văn hoá, không phải là không có hiện tượng khai triển, bàn bạc thêm bớt khía cạnh này nọ để địa phương hoá cái đã tiếp nhận, nhưng những nguyên lý thì không bao giờ dám đụng đến. Ngoài việc phải đánh nhau chí tử để bảo vệ lãnh thổ, nếu có đụng chạm gì về mặt này thì cũng chỉ là những chuyện tiếu lâm kể ra với nhau để chọc quê “người anh em” phương Bắc cho vui thôi. Điều này đã biểu hiện khá ngộ nghĩnh trong nền văn chương “yêu nước” bình dân do các nho sĩ chưa thành đạt sáng tác: đem chữ nghĩa thánh hiền để chơi trò chơi đó. Khác hẳn với sự trịnh trọng của văn chương cung đình, thứ chữ nghĩa được sử dụng trong các truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn… đã được dẫn ra để biếm nhẽ về sự thua kém trí tuệ của các ông sứ hoặc những ông quan Tàu so với các ông trạng Việt Nam. Nhưng điều đó chẳng có thể là bằng cớ nghiêm chỉnh biện minh được cho thái độ tự nâng mình lên hàng đồng chủng lẫn đồng văn của Việt Nam với Trung Hoa: một cách rất tự nhiên, bất cứ người Việt Nam bình thường nào, những người không bị nhiễm thứ văn hoá cầm quyền của chế độ phong kiến, cũng hiểu rằng mình không phải thuộc dòng dõi Trung Hoa và nếu văn hiến của Việt Nam là nương theo mô hình Trung hoa thì đó cũng chỉ là cái mà ta đi học của người, có thể là “cái cần thiết” bù đắp cho cái thiếu, cái mất của ta, nhưng chẳng có gì đáng tự tôn tự phụ cả. Sự lên gân ồn ào ấy thật sự chỉ là tính chất của ý thức hệ cầm quyền: nó là chủ nghĩa dân tộc phong kiến mang tính chất hai mặt của một nước nhỏ bị thống trị lâu đời – bên ngoài là sĩ diện “quốc gia”, nhưng bên trong là sự tự ti trầm trọng về sự trống vắng của nền văn hoá bản địa đã bị vùi dập sau một nghìn năm bị đô hộ.

Chủ nghĩa dân tộc hiện đại

               Không phải như những nhà nghiên cứu cho rằng chủ nghĩa dân tộc hiện đại của châu Á đã bắt nguồn cảm hứng từ chủ nghĩa dân tộc của phương Tây, đã sinh thành trong trong quá trình chống chủ nghĩa thực dân để giành độc lập dân tộc, chủ nghĩa dân tộc hiện đại, ở vùng đất này, đã chỉ là sự tiếp nối chủ nghĩa dân tộc phong kiến trong điều kiện lịch sử mới: khẳng định chủ quyền dân tộc với các thế lực ngoại bang, trên cơ sở đó chuyển đổi một nhà nước-dân tộc mang nội dung phong kiến, cổ truyền sang một nhà nước-dân tộc hiện đại mang nội dung công nghiệp hoá và dân chủ hoá.

  1. Ở Việt Nam, chủ nghĩa dân tộc mới này đã bắt nguồn từ nhận thức của chính những nhà Nho, sau rất nhiều cố gắng chống thực dân để phục hồi lại vương triều cũ dựa trên ý thức hệ Nho giáo mượn của Trung Hoa. Nhận thức về một đất nước mới, đi theo con đường xây dựng mới chỉ ra đời khi toàn bộ nền “văn hiến” cũ đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong việc chống lại sự xâm lược của phương Tây: không phải chỉ ở Việt Nam mà còn cả ở Trung Hoa nguồn cội nữa. Nhưng do bản thân nền văn hoá về quyền lực của Việt Nam là một thứ ý thức hệ vay mượn, lệ thuộc thần phục, tự mình không thể phát khởi được những canh tân để tự đổi mới, nên nhận thức về một vận mệnh mới cho đất nước của những nhà Nho Việt Nam vẫn cứ phải chạy theo đuôi Trung Hoa với những nỗ lực canh tân của họ. Nhưng dù vậy, ý chí tự trọng, tự tôn, ý chí khẳng định sự tồn tại tự chủ, độc lập của chủ nghĩa dân tộc phong kiến vẫn hết sức mãnh liệt. Đó chính là động lực thúc đẩy những nhà Nho đến chỗ nhận thức lại, dù là muộn màng, toàn bộ quá khứ theo một hệ thống giá trị khác. Đó là một ý thức tự phê phán đau đớn nhưng cũng rất dũng cảm, sáng suốt. Nó mở đường để đưa dân tộc vào một chân trời, một vận mệnh mới hoàn toàn, một cuộc cách mạng nhẩy vọt về tinh thần chưa từng có: từ giã thân phận một thứ chư hầu của người hàng xóm phương Bắc để tiếp xúc với cả một nhân loại rộng lớn, có những nền văn hiến khác, phức tạp, kỳ lạ hơn nhiều lần.  Tiếng súng đại bác của phương Tây xâm lược ở đây đã đóng vai trò thức tỉnh.
  2. Sự ra đời của một tầng lớp thị dân mới, có điều kiện tiếp xúc với những trào lưu tư tưởng khác nhau của nhân loại, đã đẩy đi rất xa những ý tưởng canh tân của những nhà Nho mở đường.  Chủ nghĩa dân tộc mới cũng đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều: nó đã bị phân hoá thành những ý thức hệ khác nhau với những quan niệm về quyền lực và phương pháp xây dựng khác nhau để hiện đại hoá đất nước: bên cạnh chủ trương duy tân bạo động còn có xu hướng cải cách ôn hoà, bên cạnh chủ nghĩa nghĩa tam dân theo gương nước Trung Hoa dân quốc cũng đã có chủ nghĩa cộng sản theo gương Nga xô viết… Những vấn đề văn hoá của Việt Nam (như lý thuyết về nguồn gốc dân tộc, mối quan hệ về văn hoá với Trung Hoa phong kiến, vấn để bản sắc dân tộc…) mà trước đây chỉ được suy lý trên truyền thuyết và huyền thoại thì nay đã được đem ra xem xét lại dưới ánh sáng của những kiến giải khoa học thực nghiệm tiếp thu được từ phương Tây (khảo cổ, nhân học, lịch sử, xã hội…), tạo ra những trường phái khác nhau với những cuộc tranh luận đưa đến những kết luận gợi mở nhiều hơn là khép lại bằng những kết luận giáo điều. Sự thần phục về tư tưởng đối với những giá trị truyền thống cũng đã được pha loãng khi đứng bên cạnh những lời lẽ cổ xuý cho nhân quyền và dân quyền, cho sự tự do của những cá nhân công dân bình đẳng trước pháp luật…  Tất cả những quan niệm mới mẻ trên đã thông qua sự hiện diện của chủ nghĩa thực dân mà phổ biến vào xã hội: giống như Trung Hoa hai nghìn năm trước đây, sự thống trị của chủ nghĩa thực dân đã tạo ra cho người Việt Nam những vũ khí tinh thần để chống lại nó. Chỉ có điều khác biệt quan trọng này: thoát khỏi huyền thoại về sự đồng chủng, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam cũng đã thoát khỏi sự thần phục về văn hoá với Trung Hoa, do đó đã càng ngày càng nhận ra bản sắc của mình một cách đầy đủ hơn.
  3. Nhưng cũng chính trong cuộc tranh đấu ấy, những huyền thoại của chủ nghĩa dân tộc hiện đại đã được tạo ra. Cuộc chiến đấu chống xâm lược Trung Hoa đã được đề cao hết mức để tạo ra truyền thống chung nối kết quá khứ với hiện tại: Trung Hoa đã được mô tả như kẻ thù truyền kiếp để nuôi dưỡng lòng yêu nước chống giặc và cũng chính vì vậy mà những gì tích cực tiếp thu được trong thời bị đô hộ để sau này dựng nước có nhiều lúc đã bị làm suy giảm ý nghĩa. Những huyền thoại cũ vẫn được nhắc lại để “giáo dục thanh niên” nhưng đã mất đi nội dung nguyên sơ của nó. Nguồn gốc Viêm Đế Thần Nông của những người sinh ra dân tộc Việt Nam là Lạc Long Quân và Âu Cơ đã bị lờ đi trong việc giảng dạy để chỉ giữ lại sự thanh quý về cái gọi là “con Rồng cháu Tiên”. Sự chia rẽ từ nguồn cội về sự tương khắc của hai thứ vật tổ Rồng, Tiên ấy đã được cố ý không nhắc tới để chỉ giữ lại ý nghĩa “đoàn kết” của cái gọi là “một bọc trăm trứng”. “Niềm tự hào” Việt Nam đã được thổi phồng lên quá đáng khi người ta tìm ra được những vết tích chứng tỏ Việt Nam đã là một thực thể riêng biệt trước khi bị Tàu thống trị. Nền văn hoá Đông sơn của vua Hùng thời Lạc Việt đang còn sống đời sống của những bộ lạc đã được đẩy lên thành một “quốc gia” đã có “văn hiến”: những trống đồng đã được xem như bằng chứng không những để Việt Nam không còn là hậu duệ của Thần Nông mà còn trở thành trung tâm văn hoá của cả vùng Đông Nam Á!  Hơn thế nữa: những di vật đào được của bầy người nguyên thuỷ vào buồi đầu thời đá cũ ở Lạng sơn, Thanh hoá đã là dịp để những nhà viết sử khẳng định “Việt Nam là một trong những quê hương của loài người”, với hàm ý cho rằng người Việt Nam ngày nay cũng chính là người Việt Nam đã ở trên mảnh đất này đã có mấy vạn năm về trước, nối liền nhau một mạch, không thiên di đi đâu cả và cũng chẳng bị ai đến giành đất cả.

Vẫn còn không ít người vẫn dốc hết sức bình sinh ra ca ngợi sự kỳ diệu của đạo Nho. Nhưng đấy không phải là thứ văn hoá Tàu mà ta học được.  Nho giáo đó chính là cái của ta, gọi là Việt Nho: trước đây ta ở bên Tàu, ta sáng tạo ra Nho giáo, sau đó ta bị Tàu đánh đuổi và chiếm đoạt mất ! Thật hết sức hào hùng nhưng cũng thật là bi thảm: bắt chước dân Do thái dựa vào Cựu ước để phục quốc, chúng ta hãy dựa vào những hoài niệm về Việt Nho ấy để phục hồi lại cái linh hồn dân tộc đã bị lạc mất mấy nghìn năm trước đây! Không ít người chia sẻ cái ý kiến đầy tâm huyết đó. Nhưng cũng không ít người chống lại: không có đạo Nho, Việt Nam vẫn có thể tự hào với những giá trị tinh thần hết sức sau sắc của mình: những hoa văn trên các trống đồng của ta – giả sử là của ta – đã chứa đựng những biểu tượng triết học cực kỳ uyên áo, cần phải được khai triển để khẳng định bản sắc. “Bản sắc” bao giờ cũng là nỗi băn khoăn dai dẳng của những nhà ý thức hệ Việt Nam. Bản sắc là tính đồng nhất của một dân tộc, nó tạo ra cái đặc trưng của dân tộc đó, không ai phủ định được. Nhưng khi bản sắc được đưa lên thành quốc hồn, quốc tuý để cổ vũ cho cái gọi là “niềm tự hào dân tộc” thì bản sắc đã trở thành ý thức hệ.  Tuy vậy, khi phải nói rõ cái bản sắc đáng tự hào ấy là gì thì bàn luận mãi người ta vẫn không thể nào vượt thoát ra mấy sáo ngữ yêu nước thương nòi, nhân ái, cần cù, lạc quan, thiết thực… Và để có được những danh từ ấy, có người đã sử dụng phương pháp so sánh đối lập những phạm trù trừu tượng và giả tạo như Đông/Tây, Nam/Bắc. Ta là Đông cho nên ta thâm trầm, tổng hợp, trực giác, còn họ là Tây nên họ thiên về phân tích, duy lý, duy vật… Ta là Nam cho nên ta là nông nghiệp, ấm áp, tình cảm, lãng mạn, thiên về nữ tính, còn họ là Bắc nên họ là du mục, lạnh lẽo, lý trí, cứng cỏi…Chủ nghĩa địa lý, chủ nghĩa khí hậu, chủ nghĩa chủng tộc ở đây đã góp phần củng cố cho các quan niệm thiên lệch về bản sắc. Đó không phải là lý thuyết tương đối văn hoá trong quan niệm của những nhà nhân loại học: đó là sự đề cao một cách phiến diện về sự độc đáo của những bản vị cục bộ. Thái độ tự nhận tức lại mình, phê phán những tiêu cực lạc hậu trong truyền thống một thời được những nhà Nho duy tân phát khởi và một số nhà nghiên cứu tiếp nối dần dà đã bị gác lại để cổ xuý cho những thứ suy lý về bản sắc theo cung cách đó.  Thiên hướng ca ngợi quá đáng này, nếu đã diễn ra có chừng mực trong giới nghiên cứu độc lập thì lại trở thành sự hô hào hết sức ồn ào trong những cương lĩnh của các thế lực chính trị, nhất là khi các thế lực ấy đã có điều kiện để bước lên vị trí cầm quyền.

Lược trích từ: http://www.viet-studies.net

Quảng Cáo: Đúc tượng đồng, làm tượng chân dung.... từ hình ảnh chụp/ tranh vẽ
Yêu nước
Bình luận (0)
Thêm bình luận