Gái Việt ngày xưa làm đẹp như thế nào?

Để có vòng một căng đầy mà không cần dao kéo, phụ nữ Việt xưa có nhiều bí quyết khác nhau…


Cung đình Huế xưa có cả một công nghệ chế tạo mỹ phẩm cho các bà hoàng, cung phi… và hầu hết đều làm từ nguyên liệu thiên nhiên. Ví dụ như sáp môi được làm từ sáp ong loại tốt, thường là sáp ong ruồi, đem nấu chảy, trộn thêm dầu ô liu rồi lọc vài lần qua các lớp sa, sau đó trộn với màu ưa thích như hồng, cánh sen, hổ hoàng nhồi đều. Son này được các bà dùng bôi lên môi tạo độ bóng tự nhiên, làm môi mềm, lâu phai màu.

Bột phấn tô lông mày đốt từ gỗ cây điên điển, rồi thổi thật nhẹ để lấy thứ bụi tro nhẹ, mịn làm chì kẻ mắt. Bút vẽ lông mày là cây điên điển phơi khô, giã giập mịn đầu rồi cắt xéo vạt, sau này mới được thay bằng cọ lông…

Mỹ phẩm nổi tiếng nhất, còn được lưu truyền đến ngày nay của cung đình Huế là phấn nụ, có công dụng dưỡng da mặt mịn màng, làm trắng da, trị mụn và tàn nhang, giải độc tố, giúp giảm viêm, hạn chế quá trình lão hóa, ổn định bề mặt biểu bì, hài hòa màu da tự nhiên. Quy trình sản xuất mỹ phẩm hoàng cung này cũng lắm công phu, qua tới 9 công đoạn. Nguyên liệu chính là thạch cao và trên 10 vị thuốc bắc bí truyền, một số loại hoa và đặc biệt là… nước mưa xứ Huế tinh khiết.

Bên cạnh phấn nụ, một mỹ phẩm làm đẹp da nổi tiếng khác của cung đình Huế là hoa cung nữ, hay còn gọi là hoa phấn. Đây là một loại hoa màu hồng tím, mùi hương nhẹ dịu tinh khiết, trong ruột hoa có chứa một loại phấn màu trắng. Các cung tần mỹ nữ thời xưa thường bôi bột phấn lên mặt để trang điểm, giúp khuôn mặt trắng mịn.

Hoa phấn còn có thể lấy cánh vắt ra thành nước, bôi lên da mặt, giúp làn da đều màu, mịn màng, mờ các vết thâm nám.

Trong hoàng cung nhà Nguyễn còn có nhiều loại mỹ phẩm khác như nước trắng dưỡng da, nước trắng trị mụn… Mỗi loại mang đến cho làn da những tác dụng riêng, đem đến cho cung tần mỹ nữ xưa một làn da trắng hồng tự nhiên thông qua tác dụng dưỡng da và chống nắng lâu dài chứ không thông qua cơ chế tẩy trắng làn da trong một thời gian ngắn.

Một biện pháp đơn giản mà cung nữ hay dùng là khi tắm nước nóng thì dùng tay xoa nhẹ tấm thân mượt mà, trơn tru. Vừa xối nước vừa vỗ nhẹ lên thân, lên da mặt để kích thích cho da hồng hào.

Một số món ăn cũng được cho là đem lại làn da khoẻ mạnh, như quả vải, canh nhân sâm bồi bổ sức khoẻ, giúp da khoẻ đẹp từ bên trong.

Để có vòng một căng đầy mà không cần “bơm”, phụ nữ xưa có nhiều bí quyết khác nhau, như ăn nhiều đu đủ và sắn dây sau mỗi kỳ “đèn đỏ”, thoa khắp ngực loại thuốc cao docó chứa thành phần thực vật tự nhiên như trầm hương, cam thảo, thực hiện các bài massage vùng ngực để kích thích tuần hoàn máu, khai thông huyệt đạo, hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng cần thiết… Nhân sâm cũng được coi là một “thần dược” giúp cho bộ ngực nảy nở căng tràn.

Để có một mái tóc đẹp, phụ nữ thời Nguyễn chỉ dùng bồ kết gội đầu cho tóc có màu đen nhánh và mượt mà. Đây là loại nguyên liệu phổ biến trong cung đình cũng như dân chúng, đã được sử dụng từ thời xa xưa và còn phổ biến cho đến những thập niên gần đây.

Để biến tóc điểm bạc thành tóc đen nhánh, một phương pháp được nhiều người ưa chuộng dưới thời Nguyễn là lấy nùi điển điển (nút chai rượu Champagne của Tây) đốt thành than. Sau đó lấy tăm hoặc bông chấm than, kẻ lên đầu xóa hết các vùng chân tóc thưa hoặc phủ lên vùng bị bạc. Loại than này cũng được dùng làm chì kẻ mắt vì màu thật, hợp với da.

Các loại thảo dược có vai trò rất quan trọng trong việc làm đẹp của phụ nữ thời xưa. Tùy theo chủng loại mà chúng được dùng để nấu nước tắm, chế biến thành món ăn, bào chế thành thuốc… giúp kéo dài tuổi xuân của các chị em.

Theo Khám phá Huế.

Quảng Cáo: Đúc tượng đồng, làm tượng chân dung.... từ hình ảnh chụp/ tranh vẽ
Phụ Nữ
Bình luận (0)
Thêm bình luận