Cuộc sống “cực khổ” của các Hoàng tử nhà Nguyễn

Cuộc sống “cực khổ” của các Hoàng tử nhà Nguyễn

Xem thêm: Các vị vua chúa nhà Nguyễn

Trong truyện hay phim Trung Quốc, các hoàng tử, vương gia thường là các nhân vật tự do tự tại, tiêu dao phóng túng. Nhưng sự thật lúc nào cũng phũ phàng, từ ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, ta có thể thấy các hoàng tử, ít nhất là hoàng tử Việt Nam, phải học tập rèn luyện “cực khổ” không thua gì người thường cả.

Thái tử Bảo Long
Thái tử Bảo Long

Khi được tám tuổi, các hoàng tử sẽ bắt đầu học Khai tâm bảo giám và sách Tiểu học. Tiểu học là sách dùng cho các trò nhỏ, nội dung dạy về các nghi tiết như rảy nước, quét tước, thưa gửi, lui tới, trau dồi đạo đức cho thiếu nhi.

Khi đã thông thạo Tiểu học, các hoàng tử sẽ phải học Tứ thư rồi tới Ngũ kinh và Chư sử. Vua Minh Mạng đã miêu tả cách dạy như sau:

“Ngày chẵn, dạy truyện hay kinh, trước giảng chính văn rồi đến bản chú (chỉ những lời chú giải của các tiên nho, chủ yếu là của Chu Hi đời Tống) để cho sáng nghĩa ra. Về Kinh, Truyện, giảng đến thiên nào, trước hãy giảng chính văn, phải đọc thật thuộc lòng để biết rút lấy ý nghĩa chính tâm, tu thân và đạo lý hiếu, đễ, trung, tín.

Ngày lẻ, dạy Chư sử cốt phân tích cho rõ ý nghĩa, không cần bắt đọc thuộc lòng. Khi giảng dạy, nếu có nghĩa gì ngờ, thì về Tứ thư, có Đại toàn phụ lục, về Ngũ kinh, có Ngũ kinh khâm định; về Chư sử, có Ngự phê cương giám ; tra cứu có các sách Tự điển. Hết thảy đều do Nội các phát sách công ra để dùng tra cứu.”

Các hoàng tử dưới 11 tuổi thì học ở tư gia, còn từ 11 tuổi trở lên sẽ học tập ở bốn sở học trong Tử Cấm Thành: Minh Thiện đường, Dưỡng chính đường, Tập thiện đường và Quảng học đường. Vua Minh Mạng còn sai Nội các truyền họp trưởng sử 4 Quảng đường, tuyên chỉ rằng:

“Lũ ngươi có trách nhiệm phụ đạo hoàng tử, nên khuyên bảo các hoàng tử chăm chỉ học hành, không được chơi đùa và nuôi gà chọi, chó săn, làm những việc vô ích, nếu sau khi học hỏi nghỉ ngơi, muốn chơi vui chốc lát, chỉ cho nuôi cá chậu 3, 5 con, còn ngoài ra đều không được, trái lệnh này tuy lỗi ở hoàng tử, nhưng lũ ngươi cũng có lỗi.”

Thế nhưng, các trưởng sử dù sao vẫn là hạ thần, không đủ quyền để chấn chỉnh các hoàng tử:

“Lại thấy Quảng Oai công là Quân có tính kiêu hoang, đặc mệnh Hàn lâm trực giảng là Nguyễn Công Vị riêng sung giảng quan Công phủ, hằng ngày đến dẫn bảo. Vị tâu nói: “Quảng Oai công chuyên chơi đùa mà lười học, sợ một mình thần không thể làm cho nên được”. Vua hỏi rằng: “Không có Nguyễn Khoa Thường là trưởng sử ở đấy à” ? Vị đáp rằng: “Trưởng sử đối với hoàng đệ thấy thì lạy, gọi thì dạ, còn sợ gì mà học”. Vua nói rằng: “Về phận trên dưới thì vậy nhưng còn sự giúp đỡ khuyên bảo thì không thể làm hết chức trách sao ?”.”

Băn khoăn như vậy, nên vua còn định thêm vào ngày 6, 16, 26, buổi chiều khi đồng hồ cát rỏ đến đợt 6, các hoàng tử đều vào hầu ở điện Quang Minh và đem theo sách học tập, chờ xem vua có hỏi. Vua lại dụ các hoàng tử rằng:

“Đến giờ theo lệ định, khi các con vào chầu phải dâng trình sách vở giảng tập để ta hỏi thử. Chẳng qua chỉ lấy đó làm chương trình hạn định. Các con càng phải xét lại ở mình lấy sách làm thầy trọng tình hữu ái, bỏ ý riêng tư không một việc nào, không một ngày nào không phải là học. Ngày sau con lên nối ngôi thì được có dân, được có người, các con làm thân vương, cũng lấy trung hiếu giữ trọn tiếng tốt, cái gì chẳng phải bởi học mà ra?”.

Tuy thế, nhà vua vẫn rất ân cần với các con:

“Trẫm đối với hoàng tử tuy lòng từ ái tự nhiên mà khi đến hầu riêng thì chưa từng lộ ra sắc mặt. Đến như khoá trình giảng học thì rất nghiêm, các hoàng tử không dám xin nghỉ. Nhưng nay tiết thu đông giao tiếp, khí rét khó chịu, các hoàng tử tuổi còn thơ ấu, nếu cứ đi học thì chịu sao được. Song ý ấy không nên cho biết, hoặc đến nhu nhơ lười biếng. Ngươi nên theo ý ta khẽ bảo bọn phụ đạo rằng từ sau phàm khi rét buốt mưa nhiều, có thể sai tán thiện và bạn độc chia nhau đến phủ mà khai giảng. Các hoàng tử cũng phải xuống ngồi chiếu dưới nghe giảng, không được cho là ở nhà tư mà bỏ lễ.”

Khi đến lớp học của các hoàng tử, khung cảnh sẽ như sau:

“Chính giữa nhà đặt một án sách, đặt vị ngồi giảng ở phía tây, 2 viên phụ đạo cùng một chiếu, 2 viên tán thiện cùng một chiếu, 4 viên bạn độc cùng một chiếu, đều ngoảnh về hướng đông. Đặt vị ngồi nghe giảng ở phía đông, các hoàng tử mỗi người một chiếu, phía trước đặt một kỷ sách, đều ngoảnh về hướng tây, chiếu nhất ở dưới vị phụ đạo.

Ngày thường, buổi sớm đồng hồ chuyển lần thứ 1, từ phụ đạo trở xuống đều đến ; chuyển lần thứ 2, các hoàng tử lần lượt đến, tán thiện và bạn độc đều đứng dậy. Các hoàng tử ngồi yên, tán thiện và bạn độc lại ngồi. Các hoàng tử gấp sách đọc bài học hôm trước, xong thì phụ đạo khai giảng. Các tán thiện và bạn độc hiệp đồng dẫn bảo rõ ràng. Giờ tỵ giảng xong, các hoàng tử đứng dậy. Tán thiện và bạn độc đều đứng dậy. Các hoàng tử vái chào phụ đạo, xin lui ; phụ đạo chắp tay đáp lễ. Các hoàng tử về phủ. Từ phụ đạo trở xuống đều lui. Giờ thân lại đều đến, hỏi các điều khó ; xong lại đều lui, tiết thứ tiến lui như trước.”

Ai vắng mặt ngày nào đều bị ghi lại, mỗi tháng ngày 6, 16 và 26 các trưởng sử sẽ nộp sổ nhật kí cho Văn thư phòng để xét ai nghỉ nhiều. Tuy bị ghi tên như thế nhưng nhiều hoàng tử vẫn chán học ham chơi, để bị phạt nặng, như trong sử chép:

“Nay sớ tâu những người từ trước đến nay chăm chỉ học tập, không hề gián đoạn, chỉ có một mình hoàng thân Miên Ký mà thôi; còn những người khác, từ tháng giêng khai giảng đến nay, hoặc được 40-50 ngày, hoặc được 20-30 ngày, thậm chí có người bỏ hết không đến học bưởi nào […] Về chăm học không bỏ như hoàng thân Miên Ký thưởng cho 1 đồng tiền song long hạng lớn để khuyến khích người khác. Học được 40-50 ngày và 20-30 ngày như […] đáng nên phân biệt xử phạt. Nhưng lần này hãy tạm cho truyền chỉ quở trách. Học được hơn 10 ngày như […] bốn người ấy đều phải phạt 3 tháng lương. Đi học chỉ được 4-5 ngày như […] đều phải phạt 6 tháng lương. Còn như không đi học buổi nào như […] đều phải phạt một năm lương. Lũ Trưởng sử quản gia ở các phủ đệ không biết lấy lời nói thẳng can ngăn, lại chẳng biết đem việc tố giác, thực là ngồi yên ăn không. Lũ ấy đều giao bộ Lễ xử trí. Còn các giảng quan, cũng nên bàn đến. Lần này tạm hãy cho miễn xét hỏi. Nếu lại nhận suông cho xong việc, phụ sự ủy thác của ta […]”

Và cũng có lúc các hoàng tử đi học nhưng vui đùa quá trớn dẫn đến chuyện như sau:

“Lần này Hải Ninh quận công Miên Tăng mới được tuyên phong, mở tiệc ngay ở Quảng Học đường. Lúc ấy nhiều người xem trò chơi, gạt đẩy cũng không giãn ra, Tòng Hóa quận công Miên Trữ chợt nói đùa một câu “Đóng cửa lại, bắt làm cỏ”. Vì thế mọi người đều chạy xô ra, có đứa trẻ con tên Thành ngã xuống bị người xéo què. Xét ra, Quảng Học đường là nơi đọc sách cho các hoàng thân, mà lại bày trò chơi khiến người đến xem tụ họp đông như thế đã là chẳng nên; huống chi Miên Trữ lại không biết cẩn thận, bày chuyện nói đùa, đến nỗi mọi người sợ hãi bỏ chạy, từ câu nói đùa thành chuyện uy hiếp. Vậy Miên Trữ phạt lương 1 năm, Miên Tăng phạt lương 6 tháng, lại phải giao 40 lạng bạc cho thân nhân tên Thành để tỏ rõ sự răn đe.”

Khung cảnh lễ bế giảng và khai giảng thì như sau:

“Hằng năm, cuối tháng chạp, đến ngày phong ấn thì nghỉ giảng. Sáng sớm hôm ấy, phụ đạo trở xuống mặc áo bổ phục (áo có bổ tử) ngồi ở bản vị phía tây. Các hoàng tử mặc áo bổ phục lần lượt đến. Phụ đạo vẫn cứ ngồi. Hai viên tán thiện ra đứng trên thềm phía tây, bốn viên bạn độc ra đứng dưới thềm phía tây, đều ngoảnh hướng đông. Các hoàng tử ở trên thềm gian chính giữa, hướng vào án lạy 2 lạy. Phụ đạo đứng lên nhận lễ, vẫn ở bản vị làm lễ đáp tạ 1 lạy, lễ xong đứng ngoảnh về phía đông. Các hoàng tử lui ra đứng trên thềm phía đông, hướng về phía tây. Tán thiện và bạn độc ở trên và ở dưới thềm phía tây bước xuống, hướng vào các hoàng tử làm lễ 1 vái. Các hoàng tử vái đáp. Lễ xong, vẫn đều chiếu bản vị ở đông tây mà ngồi, khoản tiếp một lần rồi lui. Sau ngày khai ấn sang năm, Khâm thiên giám chọn ngày tốt, tâu xin khai giảng. Ngày ấy gặp nhau, lễ tiết đều theo như trước.”

Có một câu chuyện về ngày khai giảng của các hoàng tử rằng:

“Đến ngày khai giảng vào bái, vua dụ các hoàng tử, hoàng đệ rằng : “Nay đã đặt chức sư bảo, các ngươi đều phải chăm chỉ học tập, ngày tháng tiến tới dần lên, cho thành đức nghiệp, nếu không được thế sẽ phải quở mắng”. Giảng quan, vốn là Cần Chính điện đại học sĩ Ngô Đình Giới nhân tâu rằng: “Thần bất tài mà được dự ngôi tây tịch(chỗ ngồi của thầy dạy các hoàng tử), xin ban giáo hình (thứ hình cụ của thày dạy học, tức là cái roi) cho thần”. Vua bèn trao cho cái roi.”

Không chỉ học kinh thư, các hoàng tử còn phải học về việc của triều đình cũng như cưỡi ngựa, bắn cung. Hàng tháng vào ngày 17, các hoàng tử từ 14 tuổi trở lên phải vào hầu Thái hậu ở cung Từ Thọ. Ngày 1,11 và 21 thì buổi sáng vào chầu ở điện Cần Chính, xem vua và các quan đại thần bàn việc. Buổi chiều, các hoàng tử tập cưỡi ngựa dưới sự giám sát của các thị vệ viện Thượng Tứ. Tuy vậy, vẫn có hoàng tử ham chơi để rồi bị phạt nặng:

“Hoàng tử Miên Phú cùng với lũ hạ nhân cưỡi ngựa diễn tập. Đến trước trại quân Thần cơ, ngựa tên Hoàng Văn Vân gặp người đàn bà già là Hà Thị Điểm, không kịp tránh xa, bị ngựa giày xéo mà chết. Ta xem sớ tâu, vô cùng buồn giận. […] Vậy cho lột bỏ mũ áo hoàng tử của Miên Phú, xóa bỏ lương bổng hàng năm, phải đóng cửa tự xét mình, không được ra ngoài một bước, không được dự vào hàng hoàng tử, chỉ gọi tên Phú mà thôi. […]”

Mặc dù ca dao có câu “Con vua thì lại làm vua” nhưng thực ra việc được phong tước vị cao hay thấp cũng còn tùy thuộc vào sự phấn đấu của mỗi người, như vua Thiệu Trị từng dụ:

“Năm nay gặp năm ta thọ 40 tuổi, nên đã sai các hoàng tử, hoàng đệ chưa được phong tước là 10 người đến trước sân hỏi, có 7 người ứng chế được. Vậy hoàng tử Hồng Y tấn phong làm Kiến Thụy công, Hồng Hưu làm Gia Hưng công, Hồng Phó làm Thái Quốc công, Miên Tẩu làm Phong Quốc công, Hồng Tố làm Hoằng Trị quận công, Miên Tăng làm Hải Ninh quận công, Miên Lâm làm Hoài Đức quận công. Miên Sạ, Miên Ngộ học thức không thông, thơ mất niêm luật, truyền chỉ thân sức, Miên Thái tuổi đã nhiều lại chẳng biết tu tính, chỉ quen chơi bời, chẳng tập lễ độ, chẳng thích thi thư, chữ viết không thành, văn lại phạm húy, phạt 2 năm lương. Các sư bảo Lê Đăng Doanh, Hồ Văn Nghĩa công tội bù trừ. Những tên tán thiện, bạn độc cho các hoàng tử ứng chế được, cùng những tên giảng tập cho các hoàng đệ đều thưởng mỗi người thêm một cấp. Những tên giảng tập cho Miên Thái, giáng hai cấp.”

Ngoại trừ những cơ hội đặc biệt như vậy, thì lệ thường phàm hoàng tử đến 15 tuổi thì bộ Lễ tâu xin phong tước, đợi vua thân xét hạch hoàng tử ấy nếu quả là ngày càng tôn kính đạo nghĩa thì lập tức cho làm lễ tấn phong tước công. Nếu hoàng tử ấy đức nghiệp chưa sáng tỏ nhưng mọi sự đều đúng khuôn phép thì hãy đình phong 1 lần, đợi 5 năm sau lại bộ Lễ lại làm sớ xin tâu.

Sau khi được phong tước, các hoàng tử sẽ dọn ra ngoài Tử Cấm Thành, ở phủ đệ riêng. Tuy nhiên, không phải là ở phủ đệ thì các hoàng tử muốn làm gì thì làm:

“Hoàng tử Miên Trữ mới ra ở riêng, có lấy thiếp mà không tâu lên vua, vốn là không hợp, vậy phạt lương 3 tháng để răn đe.”

“Hôm qua nghe trong kinh thành có tiếng thanh la và tiếng trống, sai người xét hỏi, thì là phủ hoàng tử Miên Thẩm diễn tuồng. Trong số lính thuộc phủ Miên Thẩm thì ra có 17 tên hơi biết nghề múa hát, hôm ấy y sai diễn để làm vui. Các hoàng tử học tập có thừa thời gian nên lấy thơ văn làm vui, không được gần lũ tiểu nhân diễn tập âm nhạc. Vậy phạt Miên Thẩm hai năm lương, đình việc chầu hầu 3 tháng để tỏ sự răn đe.”

“Hàm Thuận quận công Miên Thủ chứa nuôi phường tuồng. Thử nghĩ lời Thiếp Mông nói rằng: “Không được thường thường say rượu múa hát trong nhà”. Vậy lẽ ra nên lập tức theo lệ phạt Miên Thẩm nặng hơn. Nhưng nay Miên Thủ đã đem ngay lũ phạm tội giải đến tra xét, và tự nhận tội, vậy là còn biết hổ thẹn, xử nhẹ phạt một năm lương để tỏ răn sợ.”

Sao, các bạn còn nghĩ làm hoàng tử là tiêu dao tự tại hay không? Hay là “trách nhiệm đi kèm với quyền lợi”?

Theo Le Hoang Anh

Có thể bạn sẽ thích
Loading...