Đỗ Hữu Vị – phi công Việt đầu tiên trong lịch sử Không Quân
Kỷ niệm 100 năm – Lính Việt trong Thế Chiến Thứ Nhất 1914-1918: Đại Úy Đổ Hữu Vị (1883-1916) cũng là phi công Việt đầu tiên trong lịch sử Không Quân. (nguồn hình: St.-Cyr Coetquidan, Frères d’Armes).
Xin mời xem một video Youtube ngắn (2 phút) về Đỗ Hữu Vị vừa được chiếu trên TV Pháp. Năm 2012, Pháp kỷ niệm 100 năm Thế chiến 1 nên có nhiều hình ảnh đặc biệt.
Đỗ Hữu Vị (1883 – 1916) là con trai của Đỗ Hữu Phương (còn gọi là Tổng đốc Phương), một điền chủ giàu có lừng lẫy tiếng tăm ở Nam Kỳ khi người Pháp mới chiếm miền Nam.
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Lasan Taberd (Sài Gòn), Đỗ Hữu Vị được cha gửi qua Pháp du học tại trường Collège St.Barbe ở Paris, nói và viết Pháp văn như người Pháp. Sau 3 năm ra trường, ông xin theo học không quân tại Trường Võ bị Saint-Cyr của Pháp. Sau đó một năm, ông đã có được bằng lái máy bay do Aéroclub de France cấp và tham gia quân đội Pháp.
Lúc bấy giờ thế giới mới phát minh máy bay nên lái máy bay được xem là rất phi thường. Tạp chí Nam Phong số tháng 2-1920 có bài viết nói rằng, Đỗ Hữu Vị là một trong những người đầu tiên bay vòng quanh nước Pháp. Khi máy bay hiệu Gaudron được đem ra thử nghiệm, ông là người đầu tiên lái thử. Khi bay lên độ cao 300m thì máy bay rơi, nhưng ông may mắn thoát chết.
Ông làm phi công tác chiến trong phi đoàn ở Maroc. Để cổ vũ tinh thần người dân thuộc địa phục vụ cho “mẫu quốc”, Pháp gửi ông về Việt Nam lái máy bay biểu diễn ở Sài Gòn và Hà Nội, dân chúng khâm phục, hãnh diện và bàn tán sôi nổi một thời.
Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, ông trở lại Pháp tham gia đánh Đức. Trong một lần giao tranh tại sông Somme, ông bị thương nặng rồi chết, được tưởng thưởng nhiều huy chương và truy thăng đại úy. Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học *, nhiều đường phố ở Việt Nam thời đó.
Nhiều tài liệu cho rằng Đỗ Hữu Vị “là người Việt Nam đầu tiên lái máy bay chiến đấu, tham gia Thế chiến thứ nhất trong quân đội Pháp” như bài viết “Nhì Phương” trong tứ đại phú (trong loạt bài Những nhân vật “Sài Gòn đệ nhất”) đăng trên báo Thanh Niên số ra ngày 24-8-2010.



HinhanhVietNam.com tổng hợp từ internet