Hai chữ Lạc Hồng bắt nguồn từ đâu?
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba.
Hai chữ Lạc Hồng bắt nguồn từ đâu?
Với môn lịch sử đa số chúng ta là người ngoại ngạch. Nhung dù sao vẫn là con dân Việt.
Theo truyền thuyết, Đế Minh- một vị vua đất Bắc khi tuần du phương Nam đã mang một phụ nữ đẹp về làm vợ sinh ra Lộc Tục. Ông cho con lớn Đế Nghi làm vua đất Bắc và để chàng con thứ Lộc Tục thông minh hơn cai trị phương Nam hiệu là Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm tức là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Nghi là Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, dòng giống Việt ra đời. Con của Âu Cơ gọi là Hùng. Hùng trưởng hay con cả của Mẹ Âu Cơ lên làm vua, đó là Hùng Vương đời thứ nhất. Vua đặt tên nước là Văn Lang; quan văn gọi là Lạc hầu; quan võ gọi là Lạc tướng còn dân tình gọi là Lạc dân. Ấy là truyền thuyết. Và cũng mãi sau này đọc thêm mới biết vậy. Trước đây mình đâu có để tâm môn lịch sử cho lắm, học đối phó là chính.
Cách nay ít năm, trong lần về Phú Thọ, tôi đã ghé thăm bảo tàng Hùng Vương. Dịp đó mới ngắm kỹ các họa tiết trống đồng: cảnh sinh hoạt; con thuyền; chim Lạc; cách ăn mặc… Cảm giác lúc ấy rất hồ nghi, cứ như đang xem bức phù điêu mô tả về người da đỏ Bắc Mỹ vậy.
Với hai chữ Lạc Hồng, có mấy chủ thuyết sau.
Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh – trong các cuốn Lịch sử Việt Nam cổ đại và Nguồn gốc Dân tộc Việt Nam đã cho rằng nguồn gốc người Việt cổ bắt nguồn từ vùng Động Đình Hồ Vân Nam mà sử Tàu xưa gọi là Bách Việt, trong quá trình Nam tiến đã hợp huyết với người bản địa; sinh ra người Việt Mường cổ. Những cái thuyền trên trống đồng là thuyền người Giang Nam di cư về phương Nam. Còn những con chim đó là chim Lạc – vật tổ của người Việt- loài chim có nguồn gốc từ vùng Giang Nam di cư theo người Việt dọc theo miền duyên hải. Sách Lĩnh Nam Chích Quái có đề cập đến họ Hồng Bàng. Và chữ Hồng hay Hùng chỉ rằng dân Việt có nguồn gốc từ họ Hồng Bàng. Một người bạn đã từng theo học nhiều Gs sử học nổi tiếng Trần Quốc Vượng; Phan Huy Lê; Hà Văn Tấn thì cho biết rằng chữ Hùng trong chữ vua Hùng bắt nguồn từ tiếng Mường cổ để gọi người đứng đầu.
Có nhà sử học cho rằng Gs Đào Duy Anh đã viện dẫn cổ sử để sáng tác.ra câu chuyện về nguồn gốc người Việt cổ và chữ Lạc chả liên quan gì tới hình con chim trên trống đồng Ngọc Lũ. Nhưng các nhà lịch sử sau này đều dẫn theo Đào Duy Anh cho rằng Lạc là tên loài chim đã di cư theo người Việt xuống phía Nam -totem của người Việt. Còn một nhà sử học khác lại trích dẫn nhiều thư tịch cổ; ví dụ một đoạn trong sách Tàu cổ Giao châu Ngoại vực ký ghi “Ở đất Giao chỉ có Lạc vương, Lạc hầu, Lạc tướng … Họ sử dụng hoa lợi từ Lạc điền” và nhiều cổ thư Tàu khác để chứng minh rằng lập luận của cụ Đào Duy Anh là chưa đủ cơ sở. Ông cho rằng Lạc Việt là cách người Tàu gọi đất nước của người Việt xưa kéo dài từ vùng Vân Nam Quý Châu đến mạn Quảng Bình sau này.
Ở Trung quốc; dân tộc Choang phân bố chủ yếu ở Quảng Tây. Họ có tiếng nói và chữ viết riêng, có nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Trong từ vựng của người Choang, Lạc = hiểu biết, minh triết. Người Choang biết đúc trống đồng và cũng có truyền thuyết đẻ trăm trứng. Vậy chữ Lạc là tiếng Choang?
Đa số học giả Việt, Pháp và Thái lan cho rằng Lạc Việt là cái tên người Tàu gọi một tộc người sống ở vùng Bách Viêt – Giang Nam Phúc Kiến ngày nay. Người Lạc Việt được cho là thủy tổ của người Kinh; người Mường và người Choang và người Bố Y. Số khác cho rằng Lạc Việt là cách người Tàu gọi đất nước của người Việt (Yue) cổ.
Vậy ngày giỗ Tổ có rừ khi nào? Và đó là ngày giỗ vị vua nào ? Sách sử chép lại rằng trong 18 đời vua Hùng đã có tới 108 vị vua từng trị vì chứ không phải 18 vị như nhiều người vẫn nghĩ. Có suy luận răng đó là ngày giỗ Lạc Long Quân- người sáng lập triều đại Hùng Vương nhưng ý kiến này không có cơ sở. Sau khi con trưởng lên ngôi vua thì ngài cũng không ở lại và không biết ngài đi đâu. Ghi chép xưa nhất còn lại là sắc chỉ của vua Minh Mạng năm 1917 sức cho tỉnh Phú Thọ lo việc cúng tế các vua Hùng vào ngày 10 tháng Ba âm lịch. Tất nhiên, việc cúng tế này đã được duy trì từ rất lâu trước đó.
Lịch sử thường được viết lại theo hướng tự tôn dân tộc. Đâu phải nhà sử học nào cũng làm được như dòng họ nhà Tư Mã Thiên!
Cá nhân tôi nghĩ rằng cho dù các từ Lạc Hồng có gốc gác từ tiếng Hán; tiếng Việt hay tiếng Choang cổ thì “con Lạc cháu Hồng” vẫn đang là niềm tự hào của con dân đất Việt!
Blog Phạm Văn Quang