Lịch sử chùa Tĩnh Lâu ( chùa Sải )
Chùa Sải, tên chữ Tĩnh Lâu tự, tồn tại từ thế kỷ 16, được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa theo Quyết định số 1460/QĐ-VH ngày 28-6-1996 của Bộ Văn hóa – Thông tin.
Địa chỉ: góc phố Trích Sài – Võng Thị, thuộc làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, tp Hà Nội. Toạ độ: 21°3’0″N 105°48’46″E, cách Hồ Gươm khoảng 6km về hướng tây-bắc; gần các bến xe bus số 13, 25, 55 dừng trên phố Lạc Long Quân và số 45 dừng trên phố Thuỵ Khuê.
Lược sử
Chùa Tĩnh Lâu tọa lạc trên một khu đất cao ở cuối làng Hồ Khẩu (Miệng hồ), mặt chính điện nhìn về phía sông Hồng ở hướng đông-bắc. Dưới thời Lê, nơi đây thuộc huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, kinh thành Thăng Long. Tương truyền ban đầu chỉ có một am nhỏ thờ các vương tôn quí tộc thời Lý, về sau am mới trở thành chùa thờ Phật. Vì do sư sãi trông coi nên còn có tên là chùa “Sãi”, lâu dần dân làng gọi chệch ra chùa “Sải”.
Tam quan chùa Tĩnh Lâu trong dịp Tết. Photo NCCong ©1-2012
Theo văn bia để lại, năm Mậu Ngọ (1618) khi Hà Đông có hạn lớn, các quan nội phủ theo lệnh chúa Trịnh Tùng đã về chùa làm lễ cầu đảo được linh ứng. Năm Canh Thân (1620), Trịnh Tùng xuống chiếu ban vàng bạc và thu hồi 10 công mẫu đất hương hoả của chùa làng đã bị một số người có thế lực chiếm dụng để trả lại cho hai chùa Chúc Thánh, Thanh Lâu.
Tượng Phật A Di Đà ở sân trước tiền đường chùa Tĩnh Lâu. Photo NCCong ©1-2012
Chùa từng mang tên chữ là “Thanh Lâu tự” trong suốt hơn hai thế kỷ, trên quả chuông chùa đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và tấm bia hậu dựng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đều vẫn khắc tên như thế. Nhưng trên một tấm bia khác ghi việc tu bổ chùa vào năm Tự Đức thứ 14 (1862) đã thấy thay bằng chữ “Tĩnh Lâu tự” và tên đó được dùng cho đến ngày nay.
Chùa Tĩnh Lâu nhìn từ vệ tinh
Kiến trúc
Tam quan chùa được làm theo kiểu vòm cuốn với kiến trúc hai tầng, tám mái lợp ngói ống giả, đầu đao cong thanh thoát nhẹ nhàng dưới tán lá xanh của một cây bồ đề to lớn bên bờ Hồ Tây mênh mông. Sau tam quan là một sân rộng, ở giữa có một pho tượng Phật A Di Đà trắng toát trong tư thế kiết già toạ sen trên bệ cao đặt trước giả sơn. Bên trái sân là vườn tháp mộ và ngõ vào khu vực phía sau chùa. Từ sân lên hiên tiền đường có hai bậc thềm rộng, ở giữa là một thềm nghiêng với đôi rồng đá chầu hai bên.
Vườn tháp cạnh ngõ vào chùa Tĩnh Lâu. Photo NCCong ©4-2014
Năm 2006, Ni sư trụ trì Thích Đàm Chung làm lễ khởi công xây mới tòa Tam bảo với qui mô hai tầng. Toà nhà có kết cấu theo kiểu truyền thống hình chuôi vồ, gồm năm gian tiền đường và bốn gian hậu cung. Vật liệu xây dựng chủ yếu là bê tông cốt thép làm sàn và hơn 100m3 gỗ lim làm khung. Giảng đường, nhà ăn, trường học nằm ở tầng dưới, điện Phật đặt ở tầng trên. Khung đỡ gồm 20 cột gỗ lim đường kính 0,4m, cao 5m. Lan can gồm 42 trụ đá được chạm khắc hình tứ linh, tứ quý, thể hiện 42 thủ ấn của đức Quán thế âm Bồ tát.
Toà Tam bảo chùa Tĩnh Lâu nhìn từ giả sơn. Photo NCCong ©4-2014
Mái toà Tam bảo lợp ngói mũi hài, bờ nóc ở hai đầu kìm đắp hai dấu vuông, bờ dải phía dưới xây theo kiểu tam cấp, ở trên trang trí các hoa văn hình chữ triện. Phía trước hiên có hai cột trụ xây nối liền với tường hồi của gian tiền đường, trên đỉnh cột có đắp đôi nghê chầu. Dưới con nghê là mui luyện, lồng đèn và các hình đầu rồng, hổ phù, hoa lá… Thân trụ hình vuông, các mặt có đề câu đối chữ Hán. Sau lưng toà Tam bảo là một sân rộng, hai bên có nhà thờ Mẫu và Trai đường. Hậu đường nằm ở cuối sân, bao gồm hai nếp nhà xây theo hình chữ Nhị. Năm 2014 chùa bắt đầu sửa sang khu vực này và xây tường bao toàn bộ khuôn viên chùa.
Khu vực phía sau chùa Tĩnh Lâu. Photo NCCong ©4-2014
Di vật
Trên tam quan chùa có đôi câu đối:
“Hộ thượng Tĩnh Lâu thuý trúc hoàng hoa giai Phật tử
Môn tiền sạn phát trường tùng tế thảo thị chân thư”.
Tạm dịch là:
“Trên gác Tĩnh Lâu, trúc biếc cúc vàng đều Phật tử
Trước cửa thờ tự, tùng già cỏ mịn chính chân thư.”
Tam quan chùa Tĩnh Lâu nhìn từ trong ra. Photo NCCong ©4-2014
Trong chùa hiện lưu giữ được những hiện vật quý hiếm, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 16-17. Các pho tượng Phật giáo được tạo tác công phu, trau chuốt, đường nét thanh thoát, kế thừa tinh tuý của nền điêu khắc thời Lê-Mạc. Đặc biệt ở chính điện có tòa Cửu Long trông như chiếc lọng che (bảo cái), được xem là một tác phẩm độc đáo, khác với hình dáng thường thấy.
Tiền đường chùa Tĩnh Lâu. Photo NCCong ©4-2014
Ba pho tượng Phật Tam thế trong chính điện được tạc gần bằng kích cỡ của người thật, trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen ba lớp với khuôn mặt thon thả, sống mũi thẳng, miệng hơi mỉm cười và đôi mắt khép hờ như đang nhìn xuống. Ngoài ra còn có 38 pho tượng nữa, trong đó bộ tượng Phật A Di Đà cao 1,34m là lớn nhất.
Chùa Tĩnh Lâu còn lưu giữ được một số di vật có giá trị khác. Ngoài 15 tấm bia đá cùng nhiều hoành phi và câu đối cổ, tại cửa ra vào có treo quả chuông đồng đề chữ “Thanh Lâu thiền tự”, do thiền sư Hải Vĩnh và một nữ hội chủ (thế danh Đồng Thị Đính, pháp hiệu Diệu Nương) hưng công cho đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 dưới thời Tây Sơn./.
Theo vanhien.vn