Truyện chưởng / kiếm hiệp trên báo Sài Gòn xưa

Nói đến báo chí Sài Gòn trước năm 1975, không thể bỏ qua tiểu thuyết kiếm hiệp, còn gọi truyện chưởng. Thể loại này từng làm mưa làm gió trên mặt báo suốt một thời gian dài.

Truyện chưởng / kiếm hiệp trên báo Sài Gòn xưa

Truyện chưởng Cây đèn vô tình của Kiêm Hồng, bản dịch Hải Âu Tử in trên nhật báo từ tháng 1.1964.

“Chưởng” Ta thắng “chưởng” Tàu

Khoảng năm 1959 – 1960, lần đầu tiên tờ Dân Nguyện của ông Hà Thành Thọ đăng nhiều kỳ tiểu thuyết Lam y nữ hiệp, do một độc giả tình cờ đọc được, thấy hay nên dịch gửi đăng báo. Loại truyện kiếm hiệp này giới xuất bản ở Hồng Kông gọi là “võ hiệp tân trào” nhằm phân biệt với loại “cựu trào” đã xuất bản trước thời Thế chiến thứ 2.

Loại “cựu trào” từng được dịch và in thành sách từ thời tiền chiến, có thể kể đến Giang hồ kỳ hiệp, Hỏa thiêu Hồng Liên tự… Mỗi tập sách chưởng chỉ 16 trang, giá bán 3 xu/tập, phát hành hằng tuần. Cụm từ “Tiểu thuyết ba xu” có lẽ ra đời trong thập niên 1930 là nhằm chỉ loại sách viết nhanh, viết vội, đọc giải trí, đọc xong rồi bỏ, do đó, tác giả bịa ra bút danh nào đó vì không dám chường mặt ra. Thế nhưng, khi nhà văn Phạm Cao Củng xuất hiện (ký bút danh Văn Tuyền) với bộ Lục kiếm đồng, lập tức đánh bạt các bộ kiếm hiệp khác.

Ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh là ký giả chuyên viết bình luận thời sự cho các báo Dân Chủ Mới, Thần Chung, Trắng Đen, Sống Mới… lý giải: “Thật ra, kỹ thuật… phi kiếm của Văn Tuyền có lẽ không hơn gì kỹ thuật nội công của truyện chưởng Hồng Kông nhưng bộ Lục kiếm đồng được ưa chuộng là vì anh Văn Tuyền biết đưa sắc màu “diễm tình” vào tiểu thuyết. Bộ Lục kiếm đồng hay hơn ở điểm chẳng những có phi đao phi kiếm mà còn có những chuyện yêu nhau theo trào lưu mới”.

Bạn đọc thích truyện chưởng VN ngoài yếu tố diễm tình còn gì nữa? Trong Tự truyện (NXB Văn Học – 1985), nhà văn Tô Hoài cho biết ông rất mê đọc truyện “chưởng VN như Càn Long du Giang Nam, Người đẹp mài gươm, Gươm cứu khổ… và không nhớ từng viết truyện chưởng lấy tựa là Tráng sĩ Rừng Thông hay Sơn Lâm hiệp khách, nhưng ông tuân theo “phong cách” chung: “Các tay kiếm khách giang hồ của tôi không có phép thuật hoang đường. Truyện của tôi chỉ có quán rượu, có đánh chén, có trọng nghĩa khinh tài, các kiếm khách nhảy từ gác tửu lâu xuống đánh nhau, rồi nhận nhau, rồi kết nghĩa, hẹn nhau cùng đi trừ gian làm phúc cho đời”.

Nhờ lưu trữ một vài bộ sách kiếm hiệp thời ấy, tôi bổ sung thêm nhận xét nữa: nhà văn VN còn đánh trúng thị hiếu ở chỗ không chỉ độc giả mê câu văn du dương mà còn thích… thơ! Chẳng hạn, Chu Nhất Kiếm trong Độc nhỡn kiếm của Tân Hiến lúc thoáng nhìn tà áo giai nhân lướt qua, lập tức buột miệng: Bóng hồng nào có thấy đâu/Bốn bề bát ngát một màu bể khơi hoặc lúc tráng sĩ thể hiện chí làm trai: Trượng phu sao không lấp sông nhổ núi đuổi quân dị tộc ra khỏi miếu đường/Hà tất mê muội trong tình trường?/Hà tất đắm đuối vòng nhớ thương…”. Rõ ràng, truyện chưởng VN không chỉ để mua vui, thoát ly thực tế.

Truyện chưởng / kiếm hiệp trên báo Sài Gòn xưa

Bộ Lục mạch thần kiếm của Kim Dung, bản dịch Hàn Giang Nhạn sau khi đăng “phơ-ơ-tông” đã in thành sách (1973).
ẢNH: L.M.Q

Những người tiên phong dịch truyện chưởng

Khi tờ Dân Nguyện đăng từng kỳ Lam y nữ hiệp, thấy ăn khách, một tờ báo ở Sài Gòn hồi đó liền “chiêu mộ” ngay dịch giả cuốn Lam y nữ hiệp về với họ, bằng cách trả tiền nhuận bút cao hơn tờ Dân Nguyện. Rồi trên một tờ báo nọ bỗng xuất hiện tiểu thuyết võ hiệp Lã Mai nương – còn thành công hơn Lam y nữ hiệp, độc giả càng khoái hơn nữa.

Lập tức, loại truyện này bắt đầu rộ lên ở báo chí miền. Liền đó, hai dịch giả thuộc loại “cao thủ võ lâm” tạo được tên tuổi là Tiền Phong – thường gọi là “Sìn Phoóng”, một nhà văn có tuổi, là người Minh Hương, đọc chữ Tàu nhanh như chớp; và Tam Khôi, một dịch giả trẻ nhưng giỏi về Hán tự.

Thật ra, Tiền Phong là người đi trước nhất, vì từ trước ngày làng báo Sài Gòn bắt đầu có truyện chưởng, ông đã đọc nhiều tiểu thuyết võ hiệp ở Hồng Kông gửi sang, nhưng đọc giải trí, lúc vui kể lại cho vợ con và vài người bạn thân nghe. Thấy Lam y nữ hiệp và Lã Mai nương múa kiếm trên làng báo, ông Tiền Phong sẵn máu nghệ sĩ, liền dịch luôn hai, ba bộ tiểu thuyết Tàu mà mọi người đánh giá là hay nhất, trong đó có bộ Bích huyết kiếm của Kim Dung, cho in trên tờ Đồng Nai. Thấy Tiền Phong dịch Bích huyết kiếm, Tam Khôi liền chọn một bộ khá dài cũng của Kim Dung để dịch là Anh hùng Xạ Điêu, đăng trên tờ Dân Việt. Từ đó, tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung bắt đầu tràn ngập làng báo Sài Gòn.

Trong hồi ký Mười năm làm báo, nhà báo Vũ Mộng Long cho biết những chi tiết khá bi hài: “Có báo sắp chết nhờ Cô gái Đồ Long mà hồi sinh anh dũng. Khi Cô gái Đồ Long, bộ cuối cùng của trường thiên Ỷ thiên kiếm, Đồ Long đao chấm dứt (trường thiên này gồm ba bộ: Anh hùng Xạ Điêu – đăng ở Dân Việt; Thần điêu đại hiệp – đăng ở Báo Mới và Cô gái Đồ Long – đăng ở Đồng Nai) thì làng báo VN khai thác trường thiên tiểu thuyết Thiên long bát bộ cũng của Kim Dung. Nhưng tên truyện của Kim Dung được “đặt lại” cho mỗi báo. Báo thì A Tỷ Kiều Phong, báo thì Lục mạch thần kiếm, báo thì Cô Tô Mộ Dung”.

Ngày ông Trần Ngọc Huyến giữ chức Thứ trưởng Thông tin đặc trách báo chí, liền cấm nhật báo không được đăng truyện kiếm hiệp. Mỗi nhật báo chỉ được đăng một “phơi-ơ-tông” (feuilleton) cây nhà lá vườn. Nhưng ông Huyến bị mất chức rất sớm và Tổng trưởng Phạm Thái nắm lại quyền hành, “phá” ông Huyến bằng cách tung hê tiểu thuyết Tàu, Tây, Ta cho làng báo. Kết quả là nhà văn Kim Dung thao túng nhật báo miền trong những thập niên 1960 – 1970.

Truyện chưởng / kiếm hiệp trên báo Sài Gòn xưa

Truyện chưởng / kiếm hiệp trên báo Sài Gòn xưa

Truyện chưởng VN được in thành sách.

Cạnh tranh giữa các báo khi đăng truyện “chưởng”

Khi tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung xâm lăng nhật báo miền đã đẻ thêm một hiện tượng kỳ quái: Nhật báo Xây Dựng “ngứa ngáy” cho đăng Tàn chi lệnh do Tam Khôi dịch. Người dịch khôn ngoan không chịu tiết lộ tên tác giả nên không ai biết Tàn chi lệnh đã in thành sách, bán ở vỉa hè Chợ Lớn! Dịch giả Lã Phi Khanh vớ được cuốn Lệnh xé xác, thấy có vẻ hợp với độc giả tờ Tia Sáng nhưng nó rất ngắn, bèn tự nối tiếp dài dài, vô tận… Rồi ông Lã Phi Khanh bỏ Tia Sáng, đem Lệnh xé xác sang Thời Đại. Thế là báo Tia Sáng đã cử một dịch giả tiếp tục “sáng tác”. Trên hai nhật báo, hai “bản dịch”… đối lập nhau và cả hai dịch giả đều nhận mình dịch đúng nguyên tác, bản dịch của người kia là giả mạo! Ngoài Kim Dung, nhiều tác giả tiểu thuyết kiếm hiệp Hồng Kông, Đài Loan xuất hiện tấp nập (tuần báo Tuổi Ngọc số 27 ra ngày 25.11.1971).

Còn nhớ ngày nhà báo kỳ cựu Phan Nghị còn sống, năm đó đã 80 tuổi, là nhân chứng sống của báo chí miền Nam, tôi có hỏi về các chi tiết vừa nêu trên. Ông Nghị đồng tình và phát biểu: “Thời ấy, với các nhật báo, tầm quan trọng của Kim Dung còn hơn cả… sự thay đổi nội các. Người ta mê Kim Dung tới mức độ bữa nào không đăng tiếp truyện Kim Dung là ăn mất ngon. Các trí thức khoa bảng trước đây chỉ thích đọc báo Tây, nay cũng phải mua báo Việt để đọc Kim Dung. Quả là một hiện tượng lạ!”.

Theo Lê Minh Quốc/Thanh niên

Có thể bạn sẽ thích
Loading...