Hướng dẫn viên Trung Quốc có xuyên tạc lịch sử Việt Nam?

Ngoài vụ công bố nguyên nhân cá chết đang nóng trên mạng xã hội hiện nay mà ai cũng biết nguyên nhân từ lâu thì vụ việc Hướng dẫn viên người Trung Quốc nói: “14 thế kỷ trước Việt Nam thuộc một bộ phận phía bắc Trung Quốc. Sau này Việt Nam đã độc lập rồi tự thành lập một quốc gia, nhưng nó vẫn là quốc gia phụ thuộc, phải triều cống cho Trung Quốc”. đang nóng trên mạng xã hội hiện nay.

Nó được nhiều người Việt phản ứng gay gắt, lịch sử lại một lần nữa được nhắc đến dù nó bị cố tình lãng quên bấy lâu nay. Nhiều người điên tức vì câu nói không có gì sai trên, như tôi đã nói từ lâu người Việt nên học lại lịch sử từ căn bản. Dù rất ghét TQ nhưng HDV này nói có sai gì đâu mà phản ứng gay gắt như vậy. 14 thế kỷ trước rơi vào thế kỷ 7 sau công nguyên, lúc này Việt Nam có tên là An Nam đô hộ phủ thuộc triều đại nhà Đường. Đất nước chúng ta đã bị xóa sổ trên bản đồ thế giới (nếu có) cả mấy trăm năm trước. Cụ thể, sau vụ án “đẫm nước mắt” Mỵ Châu, nhà nước tự chủ Âu Lạc đã bị Nam Việt của Triệu Đà thôn tín năm 179 TCN. Ngày nay, có nhiều sử gia đặt lại vấn đề nguồn gốc của Triệu Đà và nước Nam Việt, phải chăng đó là một cuộc nội chiến của các cư dân Bách Việt, cái này nếu có thời gian, mình sẽ biên ở bài sau. Như vậy, Việt Nam đã mất nước chí ít từ năm 179 TCN hoặc muộn hơn là năm 111 TCN khi nhà Hán xâm lược và thôn tín nước Nam Việt vua họ Triệu. Đất nước ta trở thành quận huyện của TQ, lần lượt bị cai trị bởi các triều đại phong kiến phương Bắc và bị đổi thành các tên gọi khác nhau. 14 thế kỷ trước rõ ràng Việt Nam đã bị TQ xâm lược và đô hộ và sự thật không thể chối cãi đó là đất của Trung Quốc. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, thì dân Việt lúc đó là công dân mang quốc tịch Trung Quốc. Có quyền và nghĩa vụ như người TQ ở khắp mọi nơi khác. Rất nhiều người Việt đã đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của nhà Đường, nhiều sĩ tử gốc Việt đỗ đạt và làm quan dưới thời Đường. Trong xã hội, văn hóa Trung Quốc có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sự đồng hóa ngày một tăng cao.

tranh vẽ lịch sử việt nam thời kỳ Hồng Bàng
tranh vẽ lịch sử việt nam thời kỳ Hồng Bàng

Ngày càng có nhiều người Việt, chủ yếu thuộc tầng lớp trung lưu học tập văn hóa TQ như viết chữ Hán, nói tiếng Trung, ăn mặc theo văn hóa Hán… tiếng Việt vẫn được bảo tồn và gìn giữ trong các làng xã nhưng nó vẫn bị biến thể theo thời gian (ngôn ngữ gốc người Việt hiện nay có thể là tiếng Mường ở vùng núi Thanh Hóa, Phú Thọ). Chúng ta dễ dàng nhận ra trong phương ngữ của mình có tiếng Hán và chúng ta đã vay mượn rất nhiều từ Hán Việt. Trong mỗi cái tên người Việt hiện nay, trên 95% là không thuần Việt nữa.

Song song với quá trình hóa đó là quá trình di dân Trung Quốc sang Việt Nam, nên đã có sự lai tạo giữa các giống người với nhau. Cứ tưởng tượng người Việt lúc đó như các bộ tộc người dân tộc thiểu số hiện nay đang sinh sống trên đất nước ta. Họ vẫn bảo tồn tiếng nói và văn hóa cũng mình đồng thời sử dụng tiếng Kinh (tiếng Việt) là ngôn ngữ thứ hai của họ. Khác với những bộ tộc này, người Việt có nền tảng văn hóa mạnh hơn, do đã có quốc gia độc lập khoảng 6,7 thế kỷ mới bị mất nước nên ý thức đấu tranh giành độc lập rất quật cường. Với lũy tre làng người Việt đã gìn giữ văn hóa của mình rất quyết liệt. Có thể nói, giai đoạn này chúng ta mất nước mà không mất làng. Với câu nói của vị hướng dẫn viên trên chẳng có gì sai cả.

Vế thứ 2 anh ta bảo “Sau này Việt Nam đã độc lập rồi tự thành lập một quốc gia, nhưng nó vẫn là quốc gia phụ thuộc, phải triều cống cho Trung Quốc”. Cái này lại càng không sai. Bởi mặc dù giành được độc lập nhưng trên phương diện ngoại giao Việt Nam vẫn thần phục và triều cống cho thiên triều. Năm 905, Khúc Thừa Dụ giành lại quyền độc lập tự chủ, nhưng Ông cũng chỉ là một tiết độ sứ trong triều đình nhà Đường. Cháu của Ông là Khúc Thừa Mỹ cũng xưng là tiết độ sứ thần phục nhà hậu Lương. Năm 938, Ngô Quyền đánh tan 2 vạn quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Sau đó tự xưng là Ngô Vương chứ chưa dám xưng Đế. Về sau, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, họ Lý, họ Trần đều xưng thiên tử với thần dân của mình nhưng trong các chiếu thư cầu sắc phong đều xưng vương với các hoàng đế TQ và vẫn cống nạp đều đặn. Các vua Lý, Trần cứ vài ba năm là được sắc phong từ nhỏ đến lớn về cuối đời mới được phong là An Nam Quốc Vương. Khi Lê Lợi quét sạch bóng quân Minh trên lãnh thổ nước ta, “không may” giết chết Liễu Thăng. Minh chủ được Lê Lợi dựng lên lúc bấy giờ là Trần Cảo. Sau đó, Lê Lợi cho giết chết vị minh chủ này và sang nhà Minh cầu phong. Bảo là Trần Cảo đã chết, dòng dõi họ Trần đã tuyệt tự. Nhân dân trong nước muốn Lê Lợi làm vua. Và để được sắc phong từ hoàng đế Đại Minh, họ Lê phải chấp nhận điều kiện cứ 3 năm một lần phải cống nạp tượng vàng Liễu Thăng để để đền “tội”. “truyền thống” cống nạp này duy trì đến thời Nguyễn Huệ mới được bãi bỏ.

Năm 1592, họ Trịnh đánh đuổi họ Mạc ra khỏi Thăng Long, phải chạy lên Cao Bằng. Họ Trịnh có ý định đánh lên, nhưng họ Mạc đã nhờ nhà Minh can thiệp nên mới giữ được đất Cao Bằng. Mãi cho đến sự biến Ngô Tam Quế, họ Trịnh mới dám đánh Cao Bằng, xóa sạch tàn dư nhà Mạc ở đây. -Hay việc, các chúa Nguyễn sau một thời gian dài mở đất ở Đàng Trong, lúc đầu vẫn xưng thần với Lê – Trịnh, nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương và sai người sang Trung Quốc xin được chấp nhận. Nhưng nhà Thanh không chấp nhận yêu cầu này do đã công nhận vua Lê ở Đàng Ngoài. Về sau, ta thấy tên tướng bại trận Sầm Nghi Đống vẫn được vua Quang Trung cho lập đền thờ.

Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đến thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu!
(thơ Hồ Xuân Hương)

Quang Trung sau khi đánh tan tác đội quân của Tôn Sĩ Nghị cũng phải sai sứ sang nhà Thanh cầu phong, phân bua “tội” của mình.
Dưới thời nhà Nguyễn, Năm 1804 Gia Long sai sứ sang xin sắc phong, đặt tên nước là Nam Việt. Nhà Thanh chuẩn y nhưng đổi tên nước thành Việt Nam do lo sợ nhà Nguyễn có ý định đòi lại Lưỡng Quảng thời họ Triệu. Cái quốc hiệu của chúng ta cũng bị nhà Thanh đổi, cho thấy sự phụ thuộc phần nào trong quan hệ giữa hai nước. Việc sứ giả Trung Quốc vào tận kinh đô Huế để đưa chiếu chỉ thôi đã được nhà Nguyễn đánh giá là một bước thắng lợi lớn trên quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Về nội trị, Việt Nam hoàn toàn độc lập nhưng khi quan hệ với các nước khác có sự phụ thuộc không nhỏ với Trung Quốc. Phải dùng ấn chỉ của nhà Thanh ban cho mới có tính chất pháp lý. Nhà Nguyễn có 2 ấn tỷ, 1 dùng trong nước, 2 dùng với với nước ngoài (ấn này do Trung Quốc đưa sang và buộc phải dùng).

Như vậy, Việt Nam rơi vào ách Bắc thuộc hơn một thiên niên kỷ, lúc đó Việt Nam đã bị xóa sổ hoàn toàn. Nói Việt Nam thuộc Trung Quốc là không sai. Về sau, Việt Nam giành độc lập tuy nhiên phải giữ quan hệ hòa hiếu với Trung Quốc. Trong khi chưa có ranh giới và chủ quyền như hiện nay, việc các triều đại phong kiến lấn chiếm, nuốt chửng lẫn nhau là điều bình thường. Việc giữ quan hệ hòa hiếu, cúng nạp và thần phục Trung Quốc là điều tất yếu.

Không chỉ riêng Việt Nam mà Lào, Cam-puchia, Thái Lan, Nhật Bản, Triều Tiên… đều thần phục và cúng nạp thiên triều Trung Quốc. Trong quan hệ bang giao giữa hai nước vua Việt xưng thần với vua Trung Quốc. Việc các triều đại phong kiến Việt Nam thân phục và cúng nạp Trung Quốc không có gì là xấu hổ. Đó là một chiến lược ngoại giao khôn khéo của tiền nhân. tránh được hiểm họa xâm lăng từ quốc gia to lớn láng giềng. Nhưng không phải triều cống, thần phục có nghĩa là ông cha ta sợ Trung Quốc. Mỗi khi có họa xâm lăng, truyền thống yêu nước liền trổi dậy và lịch sử cho thấy, chúng ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong công cuộc bảo về nền độc lập của Trung Quốc.

Sự thần phục vào thiên triều kéo dài gần một thiên niên kỷ cho đến khi hiệp ước Thiên Tân được ký kết giữa Pháp và Trung Quốc. Kể từ đó, nhà Nguyễn cắt đứt mọi sự lệ thuộc vào thiên triều. Quan hệ giữa hai nước là bình đẳng thông qua người Pháp. giây phút lịch sử khi triều Nguyễn nung chảy con ấn của Trung Quốc nặng hơn 6 kg là thời khắc tuyệt vời. Kể từ giây phút đó, Việt Nam thoát khỏi sự bủa vây về chính trị, văn hóa… từ phương Bắc. Người Pháp xâm lược Việt Nam nhưng nhìn về mặt khách quan đó cũng là cái công lớn nhất của Pháp. Hiệp ước biên giới Pháp Thanh 1885 có nhiều điều khoản có lợi cho Việt Nam như ta thu hồi vùng đất Điện Biên, Lai Châu…Nếu không có sự kiên quyết của người Pháp thì có lẽ ta đã mất vùng đất phía Bắc sông Hồng về tay Trung Quốc.

Trong sách giáo khoa, chúng ta chỉ dạy học trò những trận đánh oanh liệt nhưng đã “quên” dạy về đối sách ngoại giao khôn khéo của ông cha ta, chính vì vậy, một bộ phận không nhỏ người Việt đã không biết những điều trên. Đến khi, HDV người Trung nói ra họ mới có thái độ giận dữ như vậy. Chính vì vậy, bây giờ chúng ta mới biết được ích lợi từ lịch sử đem lại như thế nào. Một giáo sư mà tôi rất nể trọng từng nói “Tôi sợ người Việt coi thường người Trung Quốc, người Việt cứ tưởng đã thắng được người Trung Quốc trong quá khứ thì bây giờ họ nghĩ sẽ thắng trong tương lai, họ có niềm tin như vậy. Họ coi thường người Trung Quốc, người TQ rất giỏi phải biết sức mạnh của họ mới có thể chế ngự được họ”. Hiện nay, cứ thấy cái gì liên quan đến TQ thì người Việt cứ nhảy cẫng lên, đòi đánh đòi giết. Hãy yêu nước bằng lý trí, đừng yêu nước bằng trái tim. Đã có hàng triệu người đổ máu vì trái tim nóng bỏng đó trong lịch sử dân tộc rồi. Có những cuộc đổ máu hoàn toàn vô ích.

Dùng lí trí để suy xét và đưa ra một đường lối đúng đắn và phù hợp. “Người Việt không có gì ngoài truyền thống yêu nước” Chúng ta, thế hệ trẻ hãy thay đổi quan điểm đó. Chúng ta phải có thật nhiều thứ để đương đầu với anh láng giềng hiếu chiến và thâm độc.

Trần Công Nhật

Có thể bạn sẽ thích
Loading...