Lái Thiêu với người Sài Gòn xưa
Đêm rằm mười sáu trăng treo
Anh đóng giường lèo, cưới vợ Lái Thiêu
Năm xưa, có bao chàng trai người Minh Hương bỏ tiền ra mua cho được chiếc giường lèo (giường bằng gổ, có chạm trỗ) với ước mong cưới được những cô con gái Việt hương sắc ở Lái Thiêu ? Không ai biết. Có điều tôi biết chắc là người Sài Gòn xưa mong cuối tuần đi Lái Thiêu đổi gió và ăn trái cây, nhứt là cứ độ từ tháng 5 đến tháng 8, là mùa trái cây ở Lái Thiêu chín rộ.
Đất Bình Dương – Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn – Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh “mang gươm đi mở cõi”. Đất Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Phần với đồng bằng sông Cửu Long nên thế đất bằng phẳng hơi dốc, có độ cao trung bình 20-25m so với mặt biển, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Và Lái Thiêu là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây trải rộng trên diện tích 1,250 ha.
Thuở trước, Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một. Đến tháng 12 năm 1899 tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Đến tháng 10 năm 1956 tỉnh Bình Dương được thành lập, bao gồm tỉnh Thủ Dầu Một và một phần tỉnh Bình Long, có 5 quận, tỉnh lỵ là Phú Cường. Người Bình Dương trong lịch sử của mình đã làm nên di sản văn hóa miệt vườn “đặc trưng miền Đông” và làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ, đồ gốm và tranh sơn mài, tiếng tăm vang lừng cả nước cho tới ngày nay.
Lái Thiêu cách Sài Gòn khoảng 20 km, thuở xưa là nơi nghỉ cuối tuần tuyệt diệu “dành riêng” cho người Sài Gòn. Lái Thiêu còn nổi tiếng là điểm hò hẹn của các lứa tuổi… Lái Thiệu tuyệt vời như thế nhưng hồi đó đâu phải người Sài Gòn nào cũng biết thưởng thức Lái Thiêu đâu!
Qua khỏi cầu Bình Triệu, theo Quốc lộ 13 đi khoảng 20 phút chúng ta sẽ đi vào Lái Thiêu, một vùng đất vườn cây xanh tốt, mát lạnh (trung bình 26 độ, mùa tết 24 độ C), không khí trong lành. Vào trong làng, sâu vào là những nhà vườn, nơi đây có sông có rạch đưa nước len lỏi vào từng góc vườn, có những con đường đất đỏ quanh co theo các lùm cây rợp bóng trái trĩu trên đầu…
Người Sài Gòn đến Lái Thiêu một phần vì tiếng đồn “Sầu riêng Lái Thiêu”.
Quả không sai! Nói đến Lái Thiêu không thể không nhắc cái tên “Sầu riêng Lái Thiêu”. Trái sầu riêng ở đây được liệt vào hàng ngon, bổ nhứt và đắt giá nhứt. Sầu riêng trồng được ở Lục Tỉnh nhưng trái không ngon bằng sầu riêng trồng ở Lái Thiêu.
Người Pháp gọi trái sầu riêng là Durian, hay Durion. Người Việt mình gọi là sầu riêng, và phải chăng tiếng “sầu riêng” do ta đọc trại từ tiếng “Djoerian” của người Malaysia mà ra chăng? Trái sầu riêng không giống trái mít như có người lầm tưởng!
Cây sầu riêng có tên khoa học là Durio Zibethinus, hay Durio Capparis thuộc họ thảo mộc Malvacées hay Bombacacerae, cùng họ với cây gòn- gạo, cây bông vải. Bổ tách trái sầu riêng ra, bên trong có nhiều múi như trái gòn, trái bông vải.
Cây sầu riêng nguyên thủy mọc ở rừng Malaysia, người ở đây gọi là cây Djoerian. Người Tàu sang Malaysia buôn bán, họ mang hột về trồng tại Ấn Độ, Thái Lan, Cambodia. Đến khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, có một số cố đạo truyền giáo Gia Tô theo vô xứ Lái Thiêu, và những nhà truyền giáo nầy đã mang nhiều giống cây trái lạ từ các xứ khác vào đây, trong đó có cây sầu riêng.Người Lái Thiêu kể lại, vào năm 1890 có cố đạo người Pháp tên là Cernot đem hột sầu riêng từ xứ Nam Dương về trồng ở họ đạo Tân Quy. Có lẽ đây là cây sầu riêng đầu tiên của Lái Thiêu?
Cây sầu riêng cao lớn tới 20m. Lá hình bầu hơi dài, hoa mọc ở nhánh, trái to, vỏ có gai rất nhọn. Trái cho nhiều múi, mỗi múi có từ 1 đến 5 hột như hột mít. Hột có bao bọc một lớp cơm mềm, màu trắng vàng óng như màu mỡ gà, giống như múi mít mật, mít ráo.
Sầu riêng chín có mùi rất đặc biệt, gọi là mùi sầu riêng. Mùi xuất phát từ lớp cơm sầu riêng, bay xuyên qua vỏ tỏa ra ngoài. Mùi sầu riêng mạnh hơn mùi mít, người thích thì khen là thơm, ai không ưa thì cho là mùi “khó chịu”. Nói gì thì nói là hễ đã “chịu ăn” sầu riêng rồi thì thấy nó ngon-bùi-béo-thơm và ghiền luôn …
Cây sầu riêng trổ bông ba đợt trong một năm, cho 60 đến 90 trái. Từ khi trổ bông đến khi trái đậu là 20 đến 25 ngày, và từ ngày trổ bông đến ngày kết trái và chín là 5 tháng. Mùa sầu riêng từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Sầu riêng khi “chín mùi” thì tự nhiên ban đêm rụng xuống gốc. Chủ vườn không ai để trái chín mùi cả, mà cắt sầu riêng trước khi chín, nhiều khi trái đem đi bán hãy còn xanh là vậy.
Mua sầu riêng phải là “người chuyên môn” mới biết trái sầu riêng nào ngon. Sầu riêng chín già bao giờ cũng ngon hơn trái non đem “dú ép” cho chín giả. Trái già nhìn vỏ có màu vàng đậm, gai nở cách xa nhau, gay to và đều. Trái vỏ còn xanh thì phần nhiều ruột chưa chín hết, cơm mỏng và không mềm. Cho nên khi mua,có người đòi người bán khoét một lỗ – gọi là thử: coi màu sắc, coi cơm cứng hay mềm, nếm ngọt lạt … Vây mà nhiều lúc vẫn bị lầm!
Có người cho rằng sầu riêng ăn rất bổ, giúp nhuận tràng, ăn vô thấy hết mệt nhọc.Những người mà da khô hay nứt nẻ, có gai, nhất là phụ nữ, ăn nhiều sầu riêng sẽ làm cho da nhẵn mịn. Ngày xưa phụ nữ ở Malaysia thường lấy cơm của trái sầu riêng và mỡ của trái bơ làm thuốc xoa bóp cho da trở nên mịn, đẹp, chắc và bóng mịn.
Măng cụt Lái Thiêu cũng là trái cây níu kéo người Sài Gòn.
Măng cụt loại trái cây được xem là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới, trái có hình dáng đẹp dễ thương và chứa nhiều chất bổ dưỡng. Trái măng cụt chín có màu tím sẫm nhìn bắt mắt, bổ ra bên trong màu trắng tinh gợi cảm, hương thơm dịu mát quyến rủ, và bạn có thể ăn no mà không sợ đầy bụng.
Măng cụt Lái Thiêu trồng theo kỷ thuật cách 6-7m/cây theo hình vuông, tàn cây không được giáp nhau nên phải tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch. Măng cụt được trồng từ hột cũng có đặc tính giống như cây mẹ, độ 8 – 10 tuổi mới cho trái. Cây măng cụt trổ bông thay lá vào tháng 2, tháng 3. Mùa trái chín từ tháng 5 đến tháng 7.
Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới thì măng cụt (Garania Mangostana Linn) là 1 trong 10 “siêu trái cây”, vì măng cụt là sự kết hợp hoàn hảo về nhiều mặt như:hương vị thơm ngon đặc sắc, hình dáng và màu sắc đẹp mắt, giàu dưỡng chất, có khả năng chống oxy hóa và giúp cơ thể chống lại được nhiều bệnh tật. Vỏ măng cụt được xắt lát, sấy khô, rồi nghiền thành bột trị bệnh kiết lỵ.
Măng cụt không chỉ có ở Lái Thiêu miền Đông, mà còn được trồng vùng Lục Tỉnh như Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, và trong đó Bến Tre măng cụt trồng xen trong vườn dừa lão. Hiện nay toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 4,500 ha đất trồng măng cụt, chiếm 77% diện tích cả nước vì ở Bến Tre cây măng cụt phát triển rất tốt.
Giai thoại kể rằng vào đầu thế kỷ 17, Lái Thiêu bấy giờ còn là một vùng đất hoang với bạt ngàn rừng rậm. Trong số những người Minh Hương đầu tiên đến lập nghiệp ở Lái Thiêu, có gia đình của một người đàn ông họ Lục làm nghề gốm. Con trai của ông là Lục Thành Tài đã đem lòng yêu một cô gái người Việt, nhà ở bên kia sông Rạch Tra. Hàng ngày, cô gái thường chèo ghe, chở mắm, khô đến bán cho lò gốm.Gia đình hai bên biết được, đều ngăn cấm nhưng hai người vẫn quyết tâm tìm đến nhau. Cuối cùng, mối tình của họ đã phải kết thúc bằng hai cái chết bi thương.Sau đó, trên mộ hai người mọc lên một loài cây lạ, trái của nó có vỏ ngoài xù xì, gai góc nhưng bên trong thì thơm ngon đến lạ lùng. Người dân địa phương đã đặt tên cây là sầu riêng để tưởng nhớ tới mối tình chung thuỷ của đôi trai gái và Lái Thiêu cũng nổi danh về trái cây từ đó.
Cây sầu riêng cao trên 20m, trái nặng từ 2 – 5kg, khi chín tự rụng xuống. Điều kỳ lạ là trái sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm nên không hề có trường hợp rơi vào đầu người. Người cho đó là do sự linh nghiệm của chàng trai Minh Hương và cô gái Lái Thiêu.
Nguồn: Vietnamarchitecture