Những tấm pano quảng cáo Sài Gòn xưa
Có ai còn nhớ những tấm pano quảng cáo Sài Gòn xưa không nè ..
Những biển quảng cáo không thể thiếu trong đời sống người dân Sài Gòn chúng ta thời đó, từ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa (1954 – 1975), ngành hoạt động quảng cáo nở rộ như nấm mọc sau mưa, ngoài đất dụng võ trên các trang báo hay những biển quảng cáo ngoài trời, quảng cáo còn đi vào khai thác trong các lãnh vực “tinh vi” như phát thanh, truyền hình, phim ảnh.
Bên cạnh đó còn có cách quảng cáo “thô sơ” theo kiểu “sơn đông mãi võ” thường được áp dụng tại các vùng xa xôi, những nơi chưa được tiếp xúc với các tiện nghi văn minh, cũng là một hình thức quảng cáo mà sau này người ta thường thấy trong thể thao, Sài Gòn xưa có đội xe đạp Euquinol của dược sĩ Nguyễn Chí Nhiều tham gia cuộc đua đường trường mang tên Vòng Cộng Hòa từ năm 1956 trở đi. Các cua-rơ mang áo Euquinol để quảng cáo thuốc ban nóng dạng bột dành cho trẻ em mang tên Euquinol, sự kết hợp giữ thể thao và kinh doanh mang lại một hiệu quả tốt đẹp: các cua-rơ Euquinol rong ruổi trên khắp miền Nam đã tạo một ấn tượng tốt đối với những người xem đứng hai bên đường. Cũng từ đó, thuốc Euquinol có mặt trong hầu hết các gia đình có trẻ nhỏ, hình thức quảng cáo này, ngày nay đã trở thành phổ biến trong thể thao, người ta sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để có một hợp đồng với các đội bóng mặc áo mang tên doanh nghiệp hoặc tài trợ cho các giải thi đấu….

Người Sài Gòn không thể nào quên cái tên BGI trong ngành rượu bia đã một thời làm bá chủ lãnh vực nước giải khát. Tiền thân của BGI là cái tên Brassèries et Glacières de L’Indochine (Nhà máy làm nước đá ở Đông Dương) của ông chủ Victor Larue, người Pháp, nổi tiếng từ năm 1909. Cũng vì thế trên nhãn của BGI còn ghi hàng chữ Pháp: Bière Larue.

Lối quảng cáo của Savon Vietnam rất bình dị qua cách hành văn xưa: “Trên 20 năm danh tiếng – Ai cũng công nhận TỐT HƠN HẾT”. Hai bên bức hình một cục xà bong có dòng chữ “Bọt nhiều” và “Ít hao”, phía dưới cùng là câu “CỦA NGƯỜI VIỆT NAM CHẾ TẠO”, từ quảng cáo các mặt hàng tiêu dùng như sữa, rượu bia, thuốc lá, thuốc tây, thuốc cao đơn hoàn tán, xà bong… ngành quảng cáo còn mạnh dạn tung ra một mặt hàng mà ít người dám nói đến chứ chưa nói gì đến việc quảng cáo rùm beng. Đó là việc mua hòm cho thân nhân khi mãn phần của Nhà hòm Tobia.

Không những quảng cáo trên báo, hòm Tobia còn xuất hiện trên xe điện Sài Gòn – Chợ Lớn. Giữa các sản phẩm như Thuốc xổ Nhành Mai, Thuốc lá Jean Bastos người ta còn thấy dòng chữ “Hòm Tobia danh tiếng nhất” ngay trên đầu xe (*). Quả là một bước ngoặt ngoạn mục trong ngành quảng cáo của Sài Gòn xưa.
Quảng cáo hòm Tobia trên đầu xe điện
Nổi bật nhất trên thị trường quảng cáo trên báo chí lẫn quảng cáo ngoài trời phải nói đến các loại kem đánh răng, trong đó có Hynos, Perlon và Leyna… Kem đánh răng Hynos với hình ảnh anh Bảy Chà da đen, miệng cười hết cỡ khoe hàm răng trắng tinh xuất hiện khắp nơi.


Cái khéo của Hynos là thực hiện thêm nhiều biển quảng cáo ngoài trời tại những nơi có đông người qua lại nên đạt hiệu quả rất cao. Vào dịp Tết Nguyên Đán, tại chợ Bến Thành, lúc nào gian hàng Hynos cũng vang lên điệp khúc “Hynos cha cha cha, cha cha cha Hynos…” át hẳn gian hàng của khô nai Ban Mê Thuột, khô cá thiều Phú Quốc với lời phóng đại “nướng bên này đường, bên kia đường uống rượu cũng thấy ngon”!, hơn thế nữa, ông Nghĩa còn đi đầu trong việc làm phim quảng cáo kem đánh răng Hynos. Ông bỏ tiền làm một đoạn phim ngắn tại Hồng Kông, ký hợp đồng với tài tử ăn khách nhất Hồng Kông thời bấy giờ là Vương Vũ. Phim chỉ vài phút diễn cảnh các nhân vật đi “bảo tiêu” một thùng hàng, khi mở ra trong thùng chỉ chứa… toàn kem đánh răng Hynos với hình anh Bảy Chà cười toe toét! Phim được chiếu tại các rạp ciné trước khi vào xuất chính và khán giả thích thú dù biết đó là phim quảng cáo.







Theo Fb/ Sài Gòn Xưa