Ẩm thực dịp lễ Trung thu của các nước châu Á
Tìm hiểu văn hóa ẩm thực dịp lễ Trung thu của các nước châu Á
Dù có khác biệt về chúng tộc, văn hóa hay lịch sử phát triển, các quốc gia Châu Á đều có một điểm tương đồng lớn: ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh lúa nước. Theo tập quán trồng trọt này, tháng Tám hàng năm là thời điểm thu hoạch và cũng là lúc người dân được hưởng thụ, nghỉ ngơi sau một thời gian dài lao động vất vả. Tháng Tám cũng là lúc trăng tròn đẹp nhất, và với những điều kiện ấy, khoảng thời gian giữa tháng Tám âm lịch trở thành dịp lễ hội ca ngợi sức lao động, gia đình quanh quần bên nhau, vui chơi, ăn uống và thưởng ngoạn ánh trăng tuyệt đẹp.
Có thể xem Trung thu là dịp lễ quan trọng thứ hai sau Tết âm lịch ở Châu Á. Thông qua không gian lễ hội nói chung và ẩm thực ngày Trung thu nói riêng, những đặc trưng về văn hóa sinh hoạt, lao động, tín ngưỡng và quan điểm thẩm mỹ của từng dân tộc hiện lên rõ nét hơn bao giờ hết. Dù ngày 15-8 âm lịch được coi là ngày lễ Trung thu chính thức (khi trăng tròn và đẹp nhất), nhưng tùy mỗi quốc gia, thời gian này có sự xê dịch. Ý nghĩa của lễ Trung thu ở Châu Á cũng rất đa dạng và tùy thuộc vào văn hóa từng nước. Đó có thể là ngày lễ trẻ em, ngày lễ ăn mừng mùa vụ, thậm chí gắn liền với những truyền thuyết huyền ảo về các mĩ nhân hay anh hùng lịch sử…
Tết Trung Thu Nhật Bản
Ở Nhật, ngày lễ Trung thu được gọi là Tsukimi hoặc Otsukimi, có nghĩa là “ngắm trăng”. Ra đời từ thời kì Heian với sự thịnh vương về kinh tế và phát triển rực rỡ về văn hóa tinh thần, lễ Tsukimi đã phản ánh phần nào quan điểm duy mĩ và gắn bó với thiên nhiên của xứ Phù Tang. Vào lễ Tsukimi, người Nhật chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn và tinh tế dâng lên trăng để thể hiện lòng thành kính với cái đẹp, và cũng dưới bóng trăng vàng ruộm của tháng Tám, gia đình bạn bè cùng quay quần bên nhau uống trà ăn bánh, chuyện tròn và ngâm thơ.
Món ăn không thể thiếu trong lễ Tsukimi chính là Tsukimi dango – bánh nếp nhỏ xinh và tròn trịa tượng trưng cho vầng trăng trên trời. Tsukimi dango có công thức tương tự bánh trôi nước, nhưng khác biệt ở chỗ được nướng sơ qua cho nóng giòn. Khi ăn bánh, người ta thường thêm chút mật đường ngọt lịm lên trên. Bánh luôn được đặt trang trọng trên một chiếc kệ nhỏ ngay hiên nhà, thích hợp cho việc vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi. Bên cạnh nhân vật chính là Tsukimi dango, lễ Trung Thu ở Nhật còn có sự góp mặt của khoai lang, hạt dẻ, các loại mì như soba, ramen…
Tết Trung Thu Hàn Quốc
Tết Trung thu ở Hàn Quốc được biết đến nhiều hơn với tên gọi Lễ tạ ơn – Chuseok. Khác với ý nghĩa vinh danh cái đẹp và thần đạo của lễ Tsukimi, Chuseok là lời cảm tạ của người Hàn đến với ưu đãi của thiên nhiên, mùa màng bội thu, và đặc biệt là ơn đức của ông bà tổ tiên đời trước. Thể hiện rõ tinh thần hiếu đạo sâu sắc trong văn hóa truyền thống Hàn Quốc, lễ Chuseok kéo dài 3 ngày là khoảng thời gian mọi người nghỉ ngơi và quanh quần bên gia đình, dù con cái ở xa cũng phải quay về đoàn tụ cùng cha mẹ.
Chuseok diễn ra đúng vào dịp thu hoạch vụ mùa, vì thế nhiều loại thực phẩm đặc trưng của mùa lễ này được chế biến từ những sản vật vừa mới thu hoạch. Những cái tên tiêu biểu nhất gồm có bánh Songpyeon (bánh gạo hình bán nguyệt), Taro guk (canh khoai môn), Hwanyang jeok (rau và thịt xiên), Dakjjim (gà luộc). Hấp dẫn và rực rỡ nhất trong các món ăn chính là chiếc bánh Songpyeon. Bánh thơm mùi nếp mới hòa cùng hương lá thông, lại bùi bùi vị đậu, nổi bật với hình dáng vầng trăng khuyết cùng màu sắc tươi vui. Người Hàn quan niệm chiếc bánh đẹp là minh chứng cho sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ đã làm ra nó, những chiếc bánh bé xinh này còn giúp phụ nữ “ghi điểm” khéo tay trong mắt mọi người.
Tết Trung Thu Trung Quốc và Việt Nam
Tết Trung thu ở Trung Quốc và Việt Nam có sự tương đồng rất lớn do đặc điểm giao thoa văn hóa có từ lâu đời giữa hai quốc gia. Truyền thuyết về Trung thu ở hai nước cũng hấp dẫn và ảo diệu như nhau: người Trung Hoa kể nhau câu chuyện vua Đường Minh Hoàng được tiên dẫn đi ngắm trăng vào đúng ngày rằm, trong khi ở Việt Nam ta đã quen thuộc với câu chuyện chú Cuội, cây đa. Dù sao đi nữa, hoạt động văn hóa ẩm thực trong lễ Trung thu của cả hai nước đều xoay quanh việc thưởng bánh trung thu, uống trà trong khi trò chuyện về vẻ đẹp cùng truyền thuyết xoay quanh vầng trăng tháng Tám.
Món ăn chính trong lễ Trung thu ở hai nước là bánh nướng, riêng ở Việt Nam, mùa Trung thu còn có sự góp mặt của món bánh dẻo. Bánh nướng bắt nguồn từ Trung Quốc và tham gia vào một “phi vụ” đối quân sự nổi tiếng: Tướng Trương Sĩ Thành, người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại quân Nguyên, nhận thấy phong tục tặng bánh cho nhau vào Trung thu của nhân dân bèn làm một loại bánh có nhét một mảnh giấy bé ghi chữ “Bát nguyệt thập ngũ dạ sát Thát tử” (đêm 15 tháng 8 giết giặc Thát Đát – tức quân Nguyên). Dân chúng truyền tay nhau, hẹn nhau cùng giết giặc và giành chiến thắng. Bánh nướng hình tròn có ý nghĩa “đoàn tụ”, “đoàn viên” cũng là vì vậy.
Bên cạnh bánh nướng thừa hưởng từ đất nước láng giềng, người Việt đã sáng tạo ra bánh dẻo như một nét độc đáo của riêng mình. Bánh dẻo giản dị mà tinh tế với mùi hương hoa bưởi thoang thoảng của vùng quê Bắc Bộ, vị đỗ xanh nhẹ nhàng của buổi chớm thu, tạo ra mùi vị thanh tao khó quên. Cũng như bánh nướng vàng ươm màu nắng, bánh dẻo là sự kết tinh những gì tươi đẹp và thơm lành nhất của mùa lá rụng.
“Trung thu” – “ở giữa mùa thu” – là cái tên giản dị không chút màu mè. Song chứa trong từng chiếc bánh, từng chén trà hay từng món ăn của lễ hội đêm trăng này là tinh túy ẩm thực của từng quốc gia, là văn hóa trồng trọt và sinh hoạt của mỗi đất nước trên khắp Châu Á. Điểm qua vài món ăn ngày lễ Trung Thu của các vùng đất phương Đông, ta phần nào đã hiểu thêm về những đặc trưng thú vị, độc đáo của nền văn minh lúa nước lâu đời.